Di chỉ sản xuất gốm Gò Cây Me (xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn) là một trong 6 trung tâm sản xuất gốm lớn của người Chăm ngày xưa tại Bình Định. Mặc dù di chỉ đã được biết đến từ những năm 90 của thế kỉ kỷ trước, đã được điều tra, khảo sát, thu thập hiện vật nhiều lần, nhưng chưa được đầu tư khai quật, nghiên cứu khoa học.
Trong tháng 10 và tháng 11 năm 2017, Viện Nghiên cứu Kinh thành và Bảo tàng Tổng hợp Bình Định đã phối hợp tiến hành khai quật Di chỉ sản xuất gốm Gò Cây Me (xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn). Mục đích của việc khai quật nhằm nghiên cứu kỹ thuật sản xuất gốm qua lò nung và dụng cụ sản xuất gốm; thu thập tư liệu làm sáng tỏ vai trò của gốm Bình Định trong hoạt động giao lưu kinh tế, văn hóa dưới vương triều Vijaya trong lịch sử; nghiên cứu đặc trưng các loại hình sản phẩm, góp phần phục vụ công tác nghiên cứu so sánh, đánh giá về giá trị loại hình đồ gốm Bình Định.

Phân loại các di vật phát hiện được trong khai quật lò gốm Gò Cây Me.
Đoàn khai quật đã mở 4 hố khai quật (tổng diện tích gần 200 m2) ở những vị trí khác nhau, phát hiện được 8 dấu tích lò nung đều cùng một loại lò hình ống và không còn nguyên vẹn. Qua đó, có thể nhìn nhận được đầy đủ hình dáng, cấu tạo của tất cả các bộ phận của lò nung gốm Gò Cây Me gồm 3 bộ phận chính: cửa lò hình phễu (cửa và bầu đốt), thân lò hình thang (nơi đặt sản phẩm nung, một bên tường lò có cửa ra vào sản phẩm), hậu lò (hệ thống các cửa thoát khói và tường). Kỹ thuật xây lò được áp dụng theo hai truyền thống của lò gốm Champa: xây tường đất kết hợp với mảnh bao nung (có niên đại cuối thế kỉ 14); xây tường lò bằng bao nung trong nhồi đất sét, lòng trát lớp sét mỏng tạo độ phẳng, có cửa ra vào sản phẩm bên tường trái (có niên đại đầu thế kỉ 15. Về kỹ thuật nung, sản phẩm được nung trong bao nung, kỹ thuật chống dính bằng cách dùng con kê và cạo men (ve lòng).
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện được hơn 5.000 hiện vật gốm, tập trung chủ yếu ở 3 dòng gốm: hoa nâu, men ngọc, men trắng. Trong đó, chiếm tỷ lệ lớn là các mảnh bình gốm hoa nâu kích thước lớn, trang trí đẹp, có hình rồng in nổi, in chìm… được các nhà nghiên cứu đánh giá cao.
Đặc biệt, lần đầu tiên đã phát hiện được khuôn in hoa văn hình rồng (ảnh) trên gốm cổ ở Bình Định. Khuôn in bằng gốm tráng men, đã bị nứt bể mất một phần, nhưng qua phần thân, chân, đuôi... còn lại của rồng, thì các nhà khoa học nhận định đây là hình rồng thời Lê Sơ (thế kỉ XV). Hiện vật này rất có giá trị, góp phần thêm cơ sở khoa học chứng minh các sản phẩm gốm cổ có in hình rồng tương tự như trên khuôn được phát hiện, trưng bày ở các nước Đông Nam Á, Châu Á có nguồn gốc được sản xuất tại lò gốm Gò Cây Me. Một hiện vật đặc biệt khác là mảnh đế bát men trắng tô nhiều màu, là sản phẩm đồ dùng thường được sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê Sơ…
Kết quả khai quật đã tìm thấy những bằng chứng thuyết phục nhất về quy mô to lớn, sản phẩm cao cấp của các lò gốm ở khu vực Gò Cây Me. Đồng thời cũng cho biết bước đầu về vị trí quan trọng và vai trò to lớn của gốm Gò Cây Me trong xã hội đương thời và trong quan hệ nội – ngoại thương ngày xưa.