Thực hiện Quyết định số 1968/QĐ-KHXH ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về việc cử đoàn đi công tác theo Thư mời của Hội Gốm sứ Phương đông Cảnh Đức Trấn, Trung Quốc.Đoàn cán bộ do PGS.TS. Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành làm trưởng đoàn đã làm việc tại Trung Quốc từ ngày 26/12/2019 đến ngày 30/12/2019.
Tại Trung Quốc, đoàn đã nhận được sự đón tiếp rất nồng hậu, nhiệt tình của Hội gốm sứ Phương đông Cảnh Đức Trấn và các cơ quan nghiên cứu gốm sứ, trường đại học tại Trung Quốc.
1. Đoàn đã tham gia Lễ ký kết Chương trình Hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Kinh thành - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với Hội Gốm sứ Phương đông Cảnh Đức Trấn, Trung Quốc tổ chức tại Đại học Gốm sứ Cảnh Đức Trấn, thành phố Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Tham gia Lễ ký kết về phía Trung Quốc có GS Tấn Đại Thụ (Qin Dashu) là chủ tịch Hội gốm sứ Phương đông Cảnh Đức Trấn, đồng thời là giáo sư của Đại học Bắc Kinh - Trung Quốc, ông Li Feng là Phó chủ tịch Hội gốm sứ Phương đông Cảnh Đức Trấn, cùng đại diện của Đại học Gốm sứ Cảnh Đức Trấn, Viện Nghiên cứu khảo cổ học gốm sứ Cảnh Đức trấn.
2. Đoàn đã tiến hành buổi thuyết trình khoa học về gốm sứ cho các giảng viên và học viên của Đại học gốm sứ Cảnh Đức Trấn. PGS,TS Bùi Minh Trí đã thuyết trình về chủ đề "Đồ gốm sứ Cảnh Đức Trấn thời Nguyên, Minh, Thanh phát hiện tại Hoàng cung Thăng Long của Việt Nam"; ông Đỗ Trường Giang đã thuyết trình về chủ đề "Khảo cổ học Champa và những đồ gốm Trung Quốc phát hiện tại các địa điểm khảo cổ học Champa". Buổi thuyết trình có sự tham gia đông đảo của hơn 100 nhà khoa học, giảng viên và sinh viên của Đại học gốm sứ Cảnh Đức Trấn. Lần đầu tiên vấn đề gốm sứ Cảnh Đức Trấn phát hiện trong Hoàng cung Thăng Long đã được giới thiệu và nhận được nhiều thảo luận khoa học và đánh giá sâu sắc từ phía các chuyên gia gốm sứ cổ Trung Quốc.
3. Đoàn đã tham gia Lễ khánh thành Bảo tàng Lò gốm Hoàng gia Cảnh Đức Trấn. Buổi Lễ được tiến hành long trọng với sự tham gia của đông đảo các lãnh đạo chính quyền địa phương, các nhà khoa học Trung Quốc và rất đông các học giả quốc tế.
4. Đoàn đã tham dự Hội thảo Khoa học quốc tế về Gốm sứ Cảnh Đức Trấn. Hội thảo có sự tham gia đông đảo của các chuyên gia nghiên cứu gốm sứ đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Mỹ và Việt Nam. PGS.TS Bùi Minh Trí đã trình bày tham luận "Đồ gốm sứ Cảnh Đức Trấn thời Nguyên phát hiện tại Hoàng cung Thăng Long của Việt Nam". Các nhà khoa học quốc tế đánh giá cao bài tham luận này vì đây là vấn đề lần đầu tiên được giới thiệu trong cộng đồng học giả quốc tế nghiên cứu về gốm sứ Cảnh Đức Trấn.
5. Đoàn đã tham quan các khu khảo cổ học và bảo tàng lò gốm nổi tiếng tại Cảnh Đức Trấn, bao gồm: Bảo tàng lò gốm Hutian - một trong những bảo tàng nổi tiếng nhất tại Cảnh Đức Trấn; Bảo tàng Lò gốm hoàng gia là tổ hợp trung bày trong nhà và ngoài trời các khu lò gốm cổ và các hiện vật gốm sứ quý giá; khu khảo cổ học lò gốm Lou Ma Qiao là nơi đã tiến hành khai quật liên tục trong hơn 10 năm nay về một khu phức hợp lò gốm kéo dài từ thời Nguyên tới thời Thanh.
Trong thời gian 5 ngày làm việc tại Trung Quốc, với tinh thần làm việc khẩn trương, triệt để tiết kiệm thời gian, đoàn đã thu được những kết quả tốt đẹp, đúng như kỳ vọng ban đầu trước chuyến đi. Đặc biệt, đoàn đã thu thập được nhiều tư liệu quan trọng trong việc so sánh, làm rõ mối quan hệ thương mại của các vương triều Đại Việt với các triều đại Trung Quốc qua nghiên cứu so sánh đồ gốm sứ tại Cảnh Đức Trấn.
Việc Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Viện với Hội gốm sứ Phương đông Cảnh Đức Trấn là một sự kiện quan trọng, làm tiền đề cho việc triển khai những chương trình hợp tác nghiên cứu trong thời gian sắp tới giữa hai bên.
Sự hiện diện của Đoàn cán bộ của Viện tại các sự kiện quan trọng tổ chức tại thành phố Cảnh Đức Trấn trước sự chứng kiến đông đảo của giới chuyên gia quốc tế góp phần nâng cao vị thế của Viện trong giới học thuật nghiên cứu gốm sứ cổ Trung Quốc và Quốc tế.