/uploaded/page-banner/Untitled-1.jpg

Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật phế tích Chùa Đông Lâm tại Núi Thiên Thai, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh

07/01/2023

Thực hiện Quyết định số 2925/QĐ-BVHTTDL, ngày 14/tháng 11/năm 2022 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Viện Ngiên cứu Kinh Thành - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Bảo tàng Bắc Ninh - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh phối hợp khai quật di tích Chùa Đông Lâm trên đỉnh núi Thiên Thai thuộc thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, từ ngày 22 tháng 11 năm 2022 đến ngày 05 tháng 01 năm 2023.
Ngày 5-1, tại Nhà văn hóa thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu (Gia Bình), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam) báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học di tích chùa Đông Lâm trên đỉnh núi Thiên Thai. Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự.

Chùa Đông Lâm là một ngôi chùa cổ được xây dựng vào thời Lý, thế kỷ 11. Theo Việt sử lược, năm Ất Mùi (1055), vua Lý Thánh Tông “xây chùa Đông Lâm và chùa Tĩnh Lự ở núi Đông Cứu”. Chùa tọa lạc trên đỉnh cao nhất (71.2m so với mặt nước biển) trong 9 ngọn của dãy núi Thiên Thai - được coi là đầu của con rồng, dưới chân núi là dòng sông Thiên Đức (sông Đuống) chảy qua, tạo cảnh trí thiên nhiên đặc sắc, trên bến dưới thuyền, dân cư đông đúc, an vui.

Bia “Cứu Lĩnh sơn thượng đỉnh Thiên Thai tự bi ký” (1631) (Bài ký bia chùa Thiên Thai trên đỉnh núi Đông Cứu), có đoạn: “Trên đỉnh núi Cứu Lĩnh thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Định, phủ Thuận An từ xa xưa lâu đời đã có tháp có chùa thuộc hàng danh lam to lớn, sừng sững nghiệp thiền, trải qua thời gian đã bị đổ nát chỉ còn lại nền móng vậy…”.
 

Cuộc khai quật di tích chùa Đông Lâm trên đỉnh núi Thiên Thai của Viện Nghiên cứu Kinh thành và Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh đã thành công tốt đẹp. Những phát hiện về di vật trong hố khai đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng khẳng định sự tồn tại của kiến trúc tháp, chùa từ thời Trần. Sau đó đến thời Lê Trung hưng, tiếp tục xây dựng chùa tại đây với quy mô to lớn, kiến trúc và trang trí kiến trúc hoàng tráng, nguy nga, tráng lệ.
Địa tầng hố khai quật bị xáo trộn nặng nề, các lớp đào đều là đất lẫn gạch, đá, ngói vỡ lẫn lộn. Di tích kiến trúc thời Lê Trung hưng được xây dựng trên mặt đất gốc, còn lại các kiến trúc thời Nguyễn và cận hiện đại, kể cả 2 lô cốt cũng được xây dựng trên lớp đất san ủi.

Trong diện tích khai quật và thám sát không phát hiện được dấu vết kiến trúc thời Lý, cho nên không thể xác định quy mô, hình thái kiến trúc thời kỳ này. Những ghi chép của thư tịch và bia đá là tư liệu quan trọng chỉ giúp chúng ta hình dung được phần nào về kiến trúc tháp, chùa tại đây qua các thời kỳ.

Những di vật quan trọng và tiêu biểu phát hiện trong hố khai quật gồm có: tượng đầu rồng gắn trên ngói úp nóc, ngói ống lợp diềm mái và thân mái, ngói úp nóc, bờ dải, ngói sen đều có gắn trang trí trên mái kiến trúc, gạch chiếu (lót/màn) trang trí hình rồng, tượng thời Trần và tấm bia đá thời Lê Trung hưng (1631), ghi chép về thời gian khởi dựng và hoàn thành xây dựng hệ thống chùa tháp quy mô to lớn... cho thấy di tích chùa Đông Lâm từ thời Trần. Căn cứ vào kích thước của vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc, thì các kiến trúc thời Trần có quy mô khá khiêm tốn, đến thời Lê được xây dựng quy mô to lớn gồm nhiều công trình kiến trúc, trong chùa có hệ thống tượng được bài trí quy chuẩn, đúng như ghi chép của thư tịch, chùa Đông Lâm là quốc tự, một đại danh lam nổi tiếng tồn tại lâu dài trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Chùa tháp được xây dựng trên đỉnh của ngọn núi cao nhất của dãy Thiên Thai, là vị trí lý tưởng có thể bao quát được một vùng rộng lớn. Hơn nữa, kề sát phía Bắc và Đông Bắc là đường thủy quan trọng - dòng Thiên Đức (sông Đuống) về Thăng Long, nơi Lý Thường Kiệt đã chọn xây dựng phòng tuyến Như Nguyệt trong lịch sử. Phát triển trung tâm Phật giáo kết hợp với vị trí chiến lược quân sự là kế sách được các triều đại từ Lý - Trần - Lê thực hiện và phát huy tác dụng to lớn trong phòng thủ và tấn công đánh bại các cuộc xâm lược của ngoại bang.

Có hai vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu và điều tra, khai quật khảo cổ học: Thứ nhất là, các di tích thời Lý theo ghi chép của thư tịch được xây dựng trên núi Thiên thai từ năm 1055 ở đâu, do chưa phát hiện được hay đã bị phá hủy hoàn toàn nên mất hết dấu vết. Thứ hai là, với số lượng không nhỏ các vật liệu xây dựng và trang trí kiến trúc thời Trần đã được phát hiện, nhưng không tìm được dấu vết kiến trúc, phải chăng cũng bị phá huỷ triệt để như các kiến trúc thời Lý. Tuy nhiên, với phát hiện những mảnh ngói chiếu trang trí in nổi hình rồng và các loại ngói lợp mái và trang trí trên mái kiến trúc, đã gợi ý về một manh mối là có thể các kiến trúc thời Trần được xây dựng bằng gỗ - một nguyên liệu dễ phá hủy theo thời gian và khí hậu nhiệt đới gió mùa ở nước ta (?).



 

Bình luận:()

Các tin khác

Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tặng bằng khen cho 02 Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ đạt xuất sắc năm 2023 của Viện NC Kinh Thành

17/05/2024
Sáng ngày 17/5/2024, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) ...

Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở năm 2025 thực hiện theo phương thức tổ chức tuyển chọn

11/05/2024
Cổng thông tin điện tử Viện Nghiên cứu Kinh thành trân trọng đăng tải Danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở ...

Công khai Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2024 của Viện Nghiên cứu Kinh Thành, đợt 2

09/05/2024
Công khai Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2024 của Viện Nghiên cứu Kinh Thành, đợt 2

Công khai Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2023 của Viện Nghiên cứu Kinh Thành, đợt 6

29/12/2023
Công khai Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2023 của Viện Nghiên cứu Kinh Thành, đợt 6