Những khám phá Khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội
Tác giả:
Ngày xuất bản: 16/01/20
Tác giả: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng ; PGS.TS. Bùi Minh Trí ; Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Khoa học xã hội ; Năm xuất bản: 2016
Nằm trong không gian chính trị Ba Đình, không gian Di sản văn hóa thế giới Thăng Long - Hà Nội, tòa Nhà Quốc hội không chỉ là biểu tượng quyền lực của quốc gia mà còn là gạch nối truyền thống của trung tâm quyền lực lâu đời trong lịch sử dân tộc.
Dưới lòng đất của tòa nhà, cuộc khai quật năm 2008 - 2009 do Viện Khảo cổ học thực hiện, đã phát hiện được 140 di tích cùng hàng chục ngàn di vật khảo cổ của nhiều thời kỳ nằm chồng xếp, đan xen nhau. Đây là phát hiện rất quan trọng, phản ánh sinh động lịch sử phát triển liên tục, lâu dài của khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long qua suốt 1300 năm, từ thời Tiền Thăng Long (thế kỷ 7 - 10) đến thời kỳ Thăng Long (thế kỷ 11 - 18). Đồng thời minh chứng, khu vực xây dựng Nhà Quốc hội là một bộ phận quan trọng nằm ở phía Tây Nam Cấm thành của Kinh đô Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Để tạo nên sự kết nối hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương dành một phần không gian dưới 2 tầng hầm làm nơi trưng bày giới thiệu những khám phá quan trọng của khảo cổ học tại khu vực xây dựng Nhà Quốc hội. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện Dự án "Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội".
Dự án Trưng bày được chính thức khởi động từ cuối năm 2012. Năm 2013, nội dung khoa học và ý tưởng trưng bày của Dự án được hoàn thiện, Việc tổ chức thiết kế trưng bày được nhanh chóng triển khai ngay sau đó vào năm 2014. Và, từ tháng 10 năm 2015, công tác thi công trưng bày được chính thức triển khai thực hiện.
Trưng bày được cấu trúc theo lát cắt địa tầng khảo cổ, theo diễn biến thời gian từ xưa lại gần và nội dung được thể hiện lồng ghép, xen cài giữa di tích và di vật, trong đó, di tích là "hồn cốt" của khu trưng bày.
Tầng hầm 2: Trưng bày thời kỳ Tiền Thăng Long (thế kỷ 7 - 10);
Tầng hầm 1: Trưng bày thời kỳ Thăng Long (thế kỷ 11 - 18).
Sau hơn 3 năm thực hiện, từ nghiên cứu xây dựng nội dung khoa học và ý tưởng trưng bày đến nghiên cứu đưa ra những giải pháp thiết kế trưng bày, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện Dự án, đã nhiệt huyết mang những giá trị cốt lõi của các phát hiện quan trọng của khảo cổ học dưới lòng đất khu vực xây dựng Nhà Quốc hội trở thành hiện thực, tạo nên một khu trưng bày đặc sắc dưới tầng hầm Nhà Quốc hội.
Những giá trị văn hóa và sức sống trường tồn của trung tâm quyền lực trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam được tái hiện sinh động tại khu trưng bày, góp phần quan trọng trong việc quảng bá giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long, đáp ứng yêu cầu tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân và khách quốc tế tại tòa Nhà Quốc hội.