Tác giả: PGS.TS. Bùi Minh Trí ; PGS.TS. Tống Trung Tín ; Năm xuất bản: 2010
Cách đây tròn 1000 năm, Lý Thái Tổ, vị vua sáng lập vương triều Lý đã đưa ra quyết định sáng suốt dời đô từ miền đất Hoa Lư chật hẹp về Kinh phủ - Đại La xây dựng Kinh đô mới nằm giữa vùng châu thổ sông Hồng màu mỡ, đổi tên là Thăng Long - Kinh đô Rồng Bay, làm "thượng đô kinh sư mãi muôn đời".
Kể từ đó, Thăng Long trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của quốc gia Đại Việt. Các vương triều Lý, Trần, Lê kế tiếp nhau dựng xây Thăng Long trở thành Kinh đô hoa lệ, mở ra những kỷ nguyên mới cho nền văn hóa, văn minh Đại Việt.
Sau những biến cố thăng trầm của lịch sử và tự nhiên, dấu ấn vàng son của Kinh đô Thăng Long chỉ còn lưu đọng trong những trang sử cũ. Hầu hết các dấu tích cung điện, lầu son, gác tía... đã bị chôn vùi dưới lòng đất ,ẩn mình dưới các khu phố hiện đại.
Những khám phá của khỏa cổ học từ những năm 2002 -2009 tại khu di tích 18 Hoàng Diệu do Viện Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện đã minh chứng sống động lịch sử tồn tại của Kinh đô Thăng Long hàng ngàn năm về trước. Và, lần đầu tiên những dấu ấn vật chất về Kinh đô Thăng Long văn hiến đã hiển hiện một cách rất rõ ràng, đem lại niềm tự hào lớn cho nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước.
Năm nay, Kinh đô Thăng Long tròn 1000 năm tuổi, Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức trưng bày giới thiệu một số loại hình di vật tiêu biểu được phát hiện dưới lòng đất khu di tích 18 Hoàng Diệu, thông qua đó phần nào giới thiệu diện mạo Hoàng cung Thăng Long qua hàng nghìn năm lịch sử trên các phương diện kiến trúc, nghệ thuật và đời sống hàng ngày.
Cuốn sách Catalogue "Thăng Long - Hà Nội, lịch sử nghìn năm từ lòng đất" được biên soạn nhằm giới thiệu về nội dung của cuộc trưng bày và là món quà quý chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và sự kiện khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.