Tác giả: Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành ;
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Khoa học xã hội ;
Năm xuất bản: 2016
Số trang: 245
Chủ biên: PGS.TS. Bùi Minh Trí
Năm 2011 là năm đánh dấu sự ra đời của Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, cũng là năm mở đầu cho một định hướng nghiên cứu mới về khảo cổ học đô thị ở Việt Nam. Đây là một bước chuyển đổi quan trọng của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ trong nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long.
Ngay từ khi thành lập, ngoài nhiệm vụ thường xuyên, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao tổ chức thực hiện hai nhiệm vụ khoa học, chính trị quan trọng, Đó là tổ chức triển khai thực hiện Dự án "Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long" (thuộc nhiệm vụ trọng điểm cấp Bộ) và triển khai thực hiện Dự án "Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội" (thuộc nhiệm vụ đặc biệt cấp Nhà nước).
Trong suốt gần 5 năm qua, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã từng bước ổn định bộ máy hoạt động, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ nói trên và đã không ngừng phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Kết quả thực hiện đã từng bước khẳng định rõ vai trò, vị trí của Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành trong hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn cùng những đóng góp hiệu quả trong nghiên cứu, đánh giá giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Thông báo khoa học năm 2015 được xem như món quà kỷ niệm 5 năm ngày thành lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành (28/4/2011 - 28/4/2016) và cũng là sự tiếp tục khẳng định những đóng góp quan trọng của Trung tâm trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.