PGS.TS.Lại Văn Tới
Chi bộ Viện Nghiên cứu Kinh thành
Năm nay cả nước ta tưng bừng kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của đồng chí Võ Văn Kiệt. Đảng, Nhà nước mà trực tiếp là Ban Tuyên giáo Trung ương, ngày 31/5/2022 đã ban hành hướng dẫn số 55-HD/BTGTW tuyên truyền kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt 23/11/1922 - 23/11/2022. Hướng dẫn nêu rõ: “Đồng chí Võ Văn Kiệt là nhà lãnh đạo xuất sắc của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta; người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Nhằm tôn vinh và tri ân những công lao, cống hiến to lớn, quan trọng của đồng chí Võ Văn Kiệt - nhà lãnh đạo xuất sắc của Ðảng, Nhà nước, nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giáo dục truyền thống vẻ vang của Ðảng; khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Ðảng trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm góp phần khích lệ, cổ vũ các tầng lớp nhân dân noi gương đồng chí Võ Văn Kiệt, chủ động, nhạy bén nắm chắc thời cơ, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, hăng say học tập, lao động, cống hiến sức lực, trí tuệ góp phần xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Du khách tham quan tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam
Nguồn: Trang tin điện tử TDTT-Tổng cục TDTT
Quyết định phê duyệt số 667/QĐ-TTg ngày 21/08/1997 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Làng Văn hóa được quy hoạch theo Quyết định số 1689/QĐ-TTg ngày 15/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một quần thể đa dạng với nhiều khu chức năng, đan xen giữa văn hóa, dịch vụ du lịch, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí.
Thành lập Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam với mục tiêu là trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mang tính quốc gia, nơi tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam; tăng cường tình đoàn kết, sự hiểu biết lẫn nhau, giáo dục lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước của công dân Việt Nam; tăng cường tình hữu nghị, hợp tác và trao đổi văn hóa với các dân tộc trên thế giới; phục vụ nhu cầu tham quan, du lịch và nghiên cứu của nhân dân trong nước và du khách quốc tế. Nơi đây còn là một trung tâm du lịch, dịch vụ, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí có quy mô lớn, đồng bộ tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, khai thác các lợi thế sẵn có về tài nguyên văn hóa, thiên nhiên tạo động lực cho sự phát triển bền vững
Từ khi thành lập (1999) đến năm 2003 Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã chính thức được khởi công xây dựng trên diện tích 1.544 ha đất và mặt nước thuộc hồ Đồng Mô, Thị xã Sơn Tây - cách Trung tâm Hà Nội 37 km về phía Tây. Khu các làng dân tộc Việt Nam với diện tích 198 ha tái hiện những nét văn hóa đặc sắc, cấu trúc làng bản, với quy hoạch và kiến trúc dân gian, kiến trúc cộng đồng, kiến trúc tín ngưỡng; giới thiệu đời sống lao động sản xuất, giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của 54 dân tộc anh em. Bên cạnh đó là khu trưng bày các di sản văn hóa nổi tiếng của thế giới (37 ha) cùng một quần thể khu vui chơi, giải trí, thể thao có quy mô khoảng 100 ha. Ngoài ra còn có các hạng mục công trình khác như khu trung tâm hành chính, nghi lễ...
Năm nay (2022), sau 11 năm triển khai và đi vào hoạt động, ngoài việc hoàn tất các hạng mục công trình của dự án, tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ vai trò chức năng nhiệm vụ được giao, bộ máy nhân sự, cơ cấu tổ chức của Làng cũng đã đi vào ổn định với tổng số 218 người. Các tổ chức đoàn thể cũng không ngừng phát triển và ngày càng phát huy hiệu quả vai trò của mình trong việc xây dựng và phát triển Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được coi là hình ảnh thu nhỏ sống động về bản sắc văn hóa của một quốc gia đa dân tộc. Đây sẽ là ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em giữa lòng thủ đô Hà Nội, một điểm đến của du lịch văn hóa độc đáo, đa dạng (1).
Theo đúng kế hoạch, công trình đã hoàn tất vào tháng 9/2010 và Lễ khai trương Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã chính thức diễn ra vào ngày 9/9/2010. Đây là một trong những sự kiện trọng đại thiết thực chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. "Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam xứng đáng là một trung tâm văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia, là nơi tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam, để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc" (2).
2. Đối với Khảo cổ học
Theo chỉ thị của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong ba năm 1993, 1994 và 1995 Viện Khảo cổ học thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đã tích cực tổ chức thực hiện các chương trình điều tra khảo cổ học ở ba vùng trọng điểm là quần đảo Trường Sa, Tây Nguyên và Nam Bộ Việt Nam.
Về chương trình khảo cổ học Trường Sa, tôi đã có dịp giới thiệu trong bài: Chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông qua tư liệu khảo cổ học trên Website của Viện Nghiên cứu Kinh thành. Ở đây tôi chỉ tóm lược những kết quả chính.
Viện Khảo cổ học đã tiến hành điều tra nhiều đảo, đặc biệt là đã khai quật có hệ thống trên 2 đảo: Trường Sa Lớn và Nam Yết. Trong các hố khai quật, các nhà Khảo cổ học đã phát hiện được những mảnh gốm thô thuộc văn hóa Sa Huỳnh, một văn hóa thời đại Sắt phân bố rộng ở đất liền, miền Nam Trung Bộ. Điều này cũng dễ hiểu, vì trên đảo Palawan (Philippine), gần đảo Trường Sa, các nhà khảo cổ học Philippine đã tìm được các di tích văn hóa Sa Huỳnh, trong đó có hiện vật khuyên tai hai đầu thú. Như vậy, văn hóa Sa Huỳnh đã lan tỏa đến Philippine thì hiển nhiên sự có mặt của văn hóa này ở Trường Sa là một điều hợp lý.
|
Thủ tướng Võ Văn Kiệt trực tiếp chỉ đạo Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia
(nay là Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) thực hiện 3 chương trình khoa học: Khảo cổ học Trường Sa,
Tây Nguyên và Nam Bộ, năm 1993
Nguồn: Viện Khảo cổ học
Một phát hiện quan trọng nữa là, ở cả hai đảo Trường Sa Lớn và Nam Yết, các nhà Khảo cổ học đều phát hiện được đồ gốm sứ Việt Nam từ thế kỷ 13 - 14 đến thế kỷ 17 - 18. Phát hiện này có thể khẳng định sự có mặt liên tục của người Việt Nam trên các hòn đảo này, ít ra là từ thời Trần và liên tục trong các thế kỷ sau. Trên đảo Nam Yết, trong hố khai quật đã phát hiện di tích bếp lửa giữa những đống vỏ sò ốc. Đó là chứng cứ chắc chắn của một nơi cư trú.
Trên đảo Song Tử Tây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được những đồng tiền thời Nguyễn. Những đồng tiền thời kỳ này, theo một tờ tạp chí Khảo cổ học Pháp, cũng đã được phát hiện tại quần đảo Hoàng Sa.
Như vậy, những phát hiện khảo cổ học trên quần đảo Trường Sa là tư liệu vô cùng quan trọng, nó là những chứng tích khoa học hiển nhiên về các hoạt động trên biển của cư dân tiền sử Việt Nam cũng như của người Việt Nam trong lịch sử. Quan trọng hơn nữa là, những tư liệu khảo cổ học này, cũng đương nhiên, góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của quốc gia.
Đối với chương trình khảo cổ học Tây Nguyên, theo chỉ thị của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Viện Khảo cổ học mới có điều kiện tiến hành điều tra và khai quật ở một khu vực có thể nói là từ trước đến nay (1993) chưa biết gì về khảo cổ học.
Tại Tây Nguyên (khi chưa có tỉnh Đăk Nông), các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều di tích khảo cổ học tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lắk, Lâm Đồng và khai quật một số địa điểm quan trọng trong số đó, như: Biển Hồ, Trà Dôm (Gia Lai), Buôn Triết (Đăk Lăk). Điều đặc biệt có ý nghĩa là lần đầu tiên khảo cổ học phân lập được một văn hóa khảo cổ giai đoạn hậu kỳ Đá mới - sơ kỳ Kim khí: văn hóa Biển Hồ. Trên cơ sở đó, khi giải phóng mặt bằng cho lòng hồ thủy điện Ialy (2001), các nhà khảo cổ học đã phát hiện và di dời toàn bộ di chỉ khảo cổ học Lung Leng (Sa Thầy, Kon Tum). Sau đó qua kết quả điều tra và nghiên cứu trên phạm vi rộng hơn ở huyện Sa Thầy và Kon Tum, các nhà khảo cổ học đã xác định Lung Leng là một văn hóa khảo cổ, có niên đại cổ xưa, từ hậu kỳ thời đại Đá cũ đến sơ kỳ thời đại Kim khí, mang đặc trưng văn hóa Sa Huỳnh (cư trú và mộ táng) và kéo dài đến các giai đoạn lịch sử về sau.
Những phát hiện này đã khẳng định chắc chắn rằng, chúng ta đã phát hiện được một văn hóa lâu đời trên đất cao nguyên, làm cơ sở để gắn bó các tộc người trong đại gia đình dân tộc và có gốc rễ bản địa. Những dấu tích văn hóa Sa Huỳnh ở Tây Nguyên vừa cho chúng ta biết rõ hơn phạm vi phân bố của văn hóa Sa Huỳnh, vừa cho thấy trong thời đại Sắt, vùng biển và vùng núi Nam Trung Bộ là thuộc một vùng văn hóa không thể chia cắt.
Trong chương trình này, Viện Khảo cổ học còn khai quật di tích Cát Tiên (Lâm Đồng). Kết quả đã làm xuất lộ một khu đền - tháp - mộ quy mô lớn. Cát Tiên còn được khai quật nhiều năm sau đó, đã phát hiện nhiều di tích, di vật quan trọng, có thể khẳng định, đây là khu thánh địa ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ giáo và trong quá trình phát triển gần gũi với văn hóa Champa ở Nam Trung Bộ và văn hóa Óc Eo ở Tây Nam Bộ
Thánh Địa Cát Tiên: 1. Linga - Yoni; 2. Khai quật Tháp cổng
Nguồn: htt://vi.wikipedia.org/wiki/Thánh_địa_Cát-Tiên
Đối với chương trình khảo cổ học Nam Bộ, theo chỉ thị của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, chương trình này sẽ được thực hiện đến năm 2000. Bởi vì phạm vi nghiên cứu rộng và tính phức tạp của các vấn đề văn hóa khảo cổ.
Viện Khảo cổ học đã tiến hành khảo sát 14 tỉnh trong tổng số 15 tỉnh Nam Bộ (thời điểm năm 1993), đã làm việc tại 10 bảo tàng cấp trung ương và cấp tỉnh và đào thám sát nhiều địa điểm, khai quật 07 di tích quan trọng.
Như chúng ta đều biết, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975), đến nay (1993), sau gần 20 năm nghiên cứu, Khảo cổ học đã phát hiện được một hệ thống các văn hóa từ sơ kỳ thời đại Kim khí đến thời đại Sắt trong khu vực lưu vực sông Đồng Nai. Ở châu thổ sông Cửu Long, nền văn hóa Óc Eo cũng đã được phát hiện với nhiều di tích khác nhau và với một khối lượng di vật khổng lồ. Nhưng còn nhiều vấn đề xung quan nền văn hóa này, tại thời điểm đó, chưa được hiểu biết rõ ràng. Do đó một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chương trình khảo cổ học Nam Bộ là làm sao phân định được các giai đoạn hình thành, phát triển và suy tàn của nền văn hóa này.
Với kết quả thu được của Chương trình, chúng ta đã hiểu biết phần nào về văn hóa Óc Eo, nhận thức được rằng, các di tích đã phát hiện được từ trước, không phải là đồng đại, mà có cả những di tích sớm (tiền Óc Eo) và cả những di tích muộn (hậu Óc Eo).
Những di tích sớm của văn hóa Óc Eo được khai quật trong đợt này có thể kể đến: Gò Cây Tung (An Giang), Gò Cao Su (Long An), Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ (Cần Giờ, Tp Hồ Chí Minh),.. Những di tích này dã mang đến nhận thức khoa học quan trọng là, “những yếu tố sơ khai và sau này định hình và phổ biến trong văn hóa Óc Eo… Như vậy, có thể đặt giả thiết là văn hóa Óc Eo được hình thành từ những văn hóa Tiền Óc Eo khác nhau” (3). Điều đó cho thấy, chúng ta đã tìm được nguồn gốc của văn hóa Óc Eo hay nói cách khác, văn hóa Óc Eo có nguồn gốc bản địa. Theo kết quả khai quật và nghiên cứu khảo cổ học và các khoa học liên ngành, kết hợp với ghi chép của thư tịch Trung Quốc, thì cho dù Phù Nam là một quốc gia thống nhất hay là một tập hợp nhiều tiểu quốc, thì chúng ta cững có thể nhận thấy rằng Nam Bộ Việt Nam, nơi phổ biến di tích văn hóa Óc Eo, phải là phần đất cơ bản của nhà nước Phù Nam. Gỉa thiết khoa học này đã được chứng minh này một rõ ràng hơn, đặc biệt là kết quả của Đề án: Nghiên cứu khu di tích Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ) do Chính Phủ giao cho Viện Hàn Lâm KHXH VN tổ chức thực hiện (2017 - 2020) (4)
Theo Tân Đường thư, thì Chân Lạp, hay còn gọi là Cát Miệt, tức Khmer. Nhưng không có một thư tịch cổ nào nói chủ nhân Phù Nam cũng nói tiếng Khmer. Ngược lại, các thư tịch nói rằng, người Phù Nam nói một ngôn ngữ gần ngôn ngữ các nước trong biển lớn, nghĩa là các nước ở bán đảo Malaysia hay Java. Như vậy, chúng ta tin rằng, ít ra là bộ phận lớn, nói tiếng Nam Đảo.
Các di vật khảo cổ học phát hiện được tại Gò Cây Tung, Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ như rìu tứ giác, bôn có mỏ, những loại hình công cụ phổ biến ở đây đã góp phần minh chứng cư dân Tiền Óc Eo nói tiếng Nam Đảo Malaysia và Java - vùng người nói tiếng Nam Đảo. Di chỉ Giồng Phệt và Giồng Cá Vồ rõ ràng có ảnh hưởng văn hóa Sa Huỳnh, có nhà khảo cổ học còn gọi cụm di tích này các di tích Sa Huỳnh phía Nam. Mà văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa Tiền Champa, nghĩa là văn hóa của người nói tiếng Nam Đảo. Do đó có thể nói, các di tích, di vật của các di chỉ Tiền Óc Eo, như Gò Cây Tung, Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ đã góp phần chứng minh cư dân Tiền Óc Eo nói tiếng Nam Đảo (5).
Điều đó có thể nhận định rằng, cư dân các văn hóa Tiền Óc Eo và do đó cả văn hóa Óc Eo, là những người nói tiếng Nam Đảo, chứ không phải là người của Khmer. Người Chân Lạp hay người Khmer chỉ đến sau, sau khi thôn tính Phù Nam, là cư dân nói tiếng Nam Đảo .
Tóm lại, Ba Chương trình khoa học được Thủ tướng Võ Văn Kiệt trực tiếp giao cho Trung Tâm KHXH &NV Quốc Gia (này là Viện Hàn lâm KHXH VN), do Viện Khảo cổ học tổ chức thực hiện, đã thu được kết quả đáng kích lệ. Những văn hóa khảo cổ được phát hiện, nghiên cứu, mà những đặc trưng văn hóa đó, không chỉ đã thực sự góp phần vào việc xác định truyền thống văn hóa dân tộc ta mà còn là nguồn tài liệu quan trọng, chân xác nhất, tin cậy nhất để khẳng định chủ quyền lãnh hải, lãnh thổ, tức biên giới quốc gia. Đó là những đóng góp của khoa học Khảo cổ vào nhiệm vụ chính trị của đất nước, vào sự phát triển của Khoa học xã hội.
Nghiên cứu khảo cổ học Trường Sa, Tây Nguyên và Nam Bộ hiện nay vẫn đang được tiến hành và đã đạt được những thành tựu quan trọng, điều đó cho thấy tầm nhìn, trí tuệ của một nhà lãnh đạo xuất sắc, mang tích chiến lược của các chỉ thị của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong lĩnh vực văn hóa góp phần xây dựng và bảo về Tổ quốc. Tóm lược những kết quả của ba Chương trình khoa học này, là hành động thiết thực hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Ông.
....
(1) Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam kỷ niệm 11 năm thành lập. Theo Trang tin điện tử Thể dục Thể thao (Tổng cụ Thể dục Thể Thao).
(2) Phát biểu của Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Việt Nam, Hồ Tuấn Anh tại Hội nghị kỷ niệm 11 năm ngày thành lập Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam-theo Công thông tin điện tử Bộ VHTTDL.
(3) Hà Văn Tấn, 1996: Nhận xét về kết quả các chương trình khảo cổ học Trường Sa, Tây Nguyên, Nam bộ. Khảo cổ học, số 4, tr. 5 – 10.
(4) Bùi Minh Trí, Nguyễn Gia Đối, Nguyễn Khánh Trung Kiên (Cb), 2022: Văn hóa Óc Eo những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa 2017 – 2020. Nxb Khoa học xã Hôi, Hà Nội.
(5) Hà Văn Tấn, 1996: Nhận xét về kể quả các chương trình khảo cổ học Trường Sa, Tây Nguyên, Nam Bộ, Tc đd; Lương Ninh, 1996: Kết quả bước đầu của chương trình nghiên cứu Nam Bộ. Khảo cổ học, số 4, tr. 60 - 66.