/uploaded/page-banner/Untitled-1.jpg

Lễ Kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu Kinh thành (28/4/2011-28/4/2021)

06/05/2021


Sáng ngày 28/4/2021, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Hàn lâm) long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 10 năm thành lập Viện nhằm tổng kết đánh giá về kết quả hoạt động và công bố những thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khoa học và trong ứng dụng công nghệ, thiết kế trưng bày bảo tàng, quảng bá di sản văn hóa Việt Nam.

Tham dự buổi lễ có: PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS. Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành; TS. Lê Đức Hạnh, Phó Viện trưởng cùng các đại biểu từ Trung ương: Ông Trương Đức Thắng, Vụ Công tác Quốc hội, Địa phương và Đoàn thể, Văn phòng Chính phủ; Ông Phạm Đức Thảo, Cục trưởng Cục quản trị, Văn phòng Quốc hội; Bà Trần Thị Liên Diệp, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin- Văn phòng Quốc hội; Ông Lê Quang Thành, Vụ trưởng Vụ KHXH, Nhân văn và Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ; Bà Lê Thị Thu Hiền- Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch; đại diện Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia; Hội Khảo cổ học Việt Nam; đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành ở Trung ương, lãnh đạo Sở Văn hóa- Thể thao các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Bắc Ninh; đại diện lãnh đạo Bảo tàng, Ban Quản lý di tích và Danh thắng, Trung tâm bảo tồn di sản các thành phố và các tỉnh...cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm.

Ngày 28/4/2011, cách đây tròn 10 năm, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đã chính thức ký Quyết định thành lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành trên nền tảng Ban Chủ nhiệm Dự án Hoàng thành Thăng Long. Đây là tổ chức nghiên cứu khoa học mới, được tách ra từ Viện Khảo cổ học, có chức năng nghiên cứu cơ bản, chuyên sâu về kinh thành cổ Việt Nam; nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ trong thiết kế trưng bày bảo tàng và bảo tồn di sản văn hóa; cung cấp những luận cứ khoa học cho chiến lược quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc; tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nghiên cứu kinh thành và bảo tàng, bảo tồn di sản kinh thành cổ Việt Nam. Năm 2017, trước yêu cầu phát triển mới của ngành khảo cổ học đô thị ở Việt Nam và chiến lược phát triển của Viện Hàn lâm, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành đã được Chính phủ đổi tên thành Viện Nghiên cứu Kinh thành.

Từ khi thành lập, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao cho Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam. Đó là Dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long” (nhiệm vụ trọng điểm cấp Bộ, thực hiện từ 2011 cho đến 2025); Dự án “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội” (thuộc nhiệm vụ đặc biệt cấp Nhà nước, thực hiện từ 2012-2016). Năm 2017, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam tiếp tục giao nhiệm vụ “Khai quật, nghiên cứu khảo cổ học khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang)” thuộc Đề án “Nghiên cứu Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)” (nhiệm vụ đặc biệt cấp Quốc gia, thực hiện từ 2017-2020).

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Kinh thành, PGS.TS. Bùi Minh Trí nhiệt liệt chào mừng sự góp mặt đông đủ của các đại biểu tham dự; đồng thời báo cáo những kết quả nổi bật chặng đường 10 năm xây dựng và phát triển của Viện. PGS Viện trưởng nhấn mạnh, trong 10 năm qua, Viện Nghiên cứu Kinh thành luôn chủ động, sáng tạo tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ, của Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và đã có nhiều thành tựu quan trọng trong nghiên cứu khoa học, trong thiết kế trưng bày bảo tàng, trong nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa. Nổi bật nhất là thành tựu trong nghiên cứu giải mã những bí ẩn về hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý và trong nghiên cứu, thiết kế trưng bày bảo tàng và quảng bá di sản văn hóa dân tộc.

 Những thành tựu trong nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu Kinh thành được thể hiện đậm nét ở hai nhiệm vụ khoa học, chính trị lớn. Đó là Dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long” và Nhiệm vụ “Khai quật, nghiên cứu khảo cổ học khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang) thuộc Đề án “Nghiên cứu Khu di tích khảo cổ Óc Eo – Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)”.

Những thành tựu trong thiết kế trưng bày bảo tàng, quảng bá di sản văn hóa được thể hiện rất ấn tượng ở các dự án như: Dự án “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội”, Dự án “Trưng bày quảng bá di sản văn hóa thời Đinh – Tiền Lê” tại di tích Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình). Các thành tựu nêu trên đã trở thành những dấu ấn đẹp đẽ, tạo nên uy tín và thương hiệu của Viện Nghiên cứu Kinh thành trong nhiều năm qua.

PGS.TS. Bùi Minh Trí khẳng định, với những thành tựu đã đạt được trong 10 năm qua, Viện Nghiên cứu Kinh thành sẽ không ngừng nỗ lực, hoàn thành tốt hơn nữa các nhiệm vụ, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế; đầu tư nghiên cứu phương pháp luận; đẩy mạnh nghiên cứu so sánh, xây dựng cơ sở dữ liệu và nghiên cứu những vấn đề khoa học mang tính chiến lược, đặt nền tảng cho sự phát triển của Viện; quyết tâm phấn đấu xây dựng trở thành Viện nghiên cứu chuyên ngành có uy tín. Đây vừa là mục tiêu và là động lực phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ cao, đóng góp vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn của Viện Hàn lâm và đất nước trong tương lai.
 

Trong không khí trang trọng và ấm áp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, PGS.TS. Bùi Nhật Quang trao tặng Bằng khen của Thủ tướng cho Viện Nghiên cứu Kinh thành và  PGS.TS. Bùi Minh Trí đã có thành tích trong thực hiện dự án “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội” góp phần quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.  Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Kinh thành cũng vinh dự được trao tặng Bằng khen của Chủ tịch Viện Hàn lâm đã có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển của Viện Hàn lâm. Đây là những thành tích đáng tự hào của Viện Nghiên cứu Kinh thành trong 10 năm xây dựng và phát triển.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Lãnh đạo Viện Hàn lâm, PGS.TS. Bùi Nhật Quang nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu nổi bật của tập thể Viện Nghiên cứu Kinh thành, đồng thời ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực vượt bậc và sự đam mê nghiên cứu khoa học của lãnh đạo và cán bộ Viện đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển chung của Viện Hàn lâm trong 10 năm qua. Thành quả trong nghiên cứu giải mã về kiến trúc cung điện thời Lý trong Hoàng cung Thăng Long đã chứng minh rõ năng lực và khả năng nghiên cứu, khả năng ứng dụng công nghệ của Viện Nghiên cứu Kinh thành. Những thành tựu nghiên cứu đó đã có những tác động rất tích cực đến xã hội, lan tỏa được niềm tự hào về giá trị di sản văn hóa dân tộc mà ông cha ta để lại. Chủ tịch Viện Hàn lâm cũng ghi nhận sự đóng góp rất quan trọng của Viện trong quá trình tham gia thực hiện nhiệm vụ của Đề án Văn hóa Óc Eo, Viện đã có những phát hiện mới quan trọng về đồ gốm nước ngoài trong Văn hóa Óc Eo và những kiến giải mới về chức năng của các loại hình di vật đặc biệt như phù điêu đất nung hay các loại “Cột thiêng” hay “Cột biểu tượng” trong các công trình kiến trúc đền thờ Hindu giáo, góp phần minh chứng sâu sắc hơn giá trị cũng như lịch sử giao lưu kinh tế, văn hóa của Vương quốc Phù Nam trong lịch sử.

Bên cạnh đó, từ khi hoàn thành Dự án “Trưng bày di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội” năm 2012-2016, tiếng vang của Dự án có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, tạo ra những hiệu ứng tích cực trong tư duy và tầm nhìn về sự đầu tư thiết kế trưng bày bảo tàng hiện đại ở Việt Nam, góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu của Viện Nghiên cứu Kinh thành. Ngoài ra, Viện còn tổ chức thực hiện nhiều chương trình dự án từ Trung ương đến địa phương và cũng có những thành tích đáng ghi nhận. PGS Chủ tịch trân trọng ghi nhận những đóng góp to lớn của Viện trong nghiên cứu khoa học và trong thiết kế trưng bày bảo tàng và mong muốn trong thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục hoàn thành tốt những nhiệm vụ của Đề án Óc Eo giai đoạn 2, khai quật, nghiên cứu di tích Phật viện Đồng Dương (Quảng Nam) và Dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long”, phấn đấu kết thúc đúng tiến độ vào năm 2025. Chủ tịch Viện Hàn lâm bày tỏ niềm tin vào sự cống hiến không ngừng của Viện, sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp, tiếp tục nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng thương hiệu và sự phát triển của Viện Hàn lâm lên tầm cao mới.

Diễn ra trong bầu không khí, trang trọng và đàm ấm, Lễ Kỷ niệm là nơi các chuyên gia, nhà khoa học và các đại biểu tham dự chia sẻ công tác chuyên môn, sự hợp tác, gắn bó với Viện Nghiên cứu Kinh thành trong chặng đường 10 năm vừa qua và những định hướng nghiên cứu trong giai đoạn tới.

Một chặng đường 10 năm đã khép lại, một chặng đường mới đang mở ra với nhiều thách thức trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều biến động, với dấu ấn tự hào “năng lượng khởi nguồn cho sự phát triển mới”, các cán bộ của Viện sẽ kế thừa và phát huy những giá trị và truyền thống tốt đẹp của Viện, nỗ lực chung tay xây dựng, phát triển Viện Nghiên cứu  Kinh thành ngày càng phát triển vững mạnh, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của Viện Hàn lâm trong tương lai.

Nguyễn Thu Trang

Bình luận:()

Các tin khác

TRƯNG BÀY “GIẢI MÃ BÍ ẨN KIẾN TRÚC ĐIỆN KÍNH THIÊN”

TRƯNG BÀY “GIẢI MÃ BÍ ẨN KIẾN TRÚC ĐIỆN KÍNH THIÊN”

25/11/2023
Ngày 28/11/20203, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao – Bảo tàng Hà ...

THƯ MỜI VIẾT THAM LUẬN THAM GIA TỌA ĐÀM KHOA HỌC QUỐC TẾ “ĐỒ SỨ TRUNG QUỐC THỜI THANH TRONG HOÀNG CUNG THĂNG LONG, THẾ KỶ 17-19

23/09/2023
Kính gửi các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã phát hiện được số lượng rất lớn đồ sứ Trung Quốc ...

CALL FOR PAPER International scientific seminar CHINESE QING-PERIOD CERAMICS IN THANG LONG IMPERIAL CITADEL (17th -19th CENTURIES)

23/09/2023
CALL FOR PAPER International scientific seminar CHINESE QING-PERIOD CERAMICS IN THANG LONG IMPERIAL CITADEL (17th -19th CENTURIES) Dear Colleagues, A huge number of Chinese ceramics from the Tang, Song, Yuan, Ming ...