/uploaded/page-banner/Untitled-1.jpg

PHÊ BÌNH VÀ TỰ PHÊ BÌNH THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG

24/11/2021

Tự phê bình và phê bình có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Luận điểm đó đã được chứng minh qua chặng đường lịch sử ra đời, phát triển và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam. Lãnh tụ V.I. Lê-nin chỉ rõ mục đích và ý nghĩa của việc tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng Đảng: “Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho đến nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình, và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình. Còn chúng ta, chúng ta sẽ không bị tiêu vong, vì chúng ta không sợ nói lên những nhược điểm của chúng ta, và những nhược điểm đó, chúng ta sẽ học được cách khắc phục"1. Tiếp tục kế thừa luận điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ mục đích, vai trò và ý nghĩa của công việc phê bình và tự phê bình trong xây dựng Đảng Người yêu cầu Đảng phải tự xây dựng, chỉnh đốn để phát triển vững mạnh: “Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính2Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Người đời ai ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm3. Người cũng căn dặn: “Khuyết điểm cũng như bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh. Không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết cũng la lết quả dưa4. Tự phê bình và phê bình được Bác cho rằng là việc dễ phát sinh. Bác cũng ví khuyết điểm như là bệnh vì vậy cần phải phát hiện kịp thời để chữa nếu không sẽ khiến cho hậu quả là càng ngày càng nặng dẫn đến không cứu nổi. Tự phê bình và phê bình vì thế rất quan trọng được coi là như chữa bệnh.



 

          Về cách thức phê bình, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tổ chức Đảng, cán bộ, Đảng viên phải tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình. Qua đó, nếu có khuyết điểm phải kiên quyết sửa chữa và giúp sửa chữa. Công việc phê bình và tự phê bình phải đúng lúc, đúng chỗ sẽ làm cho công việc phê bình và tự phê bình đạt hiệu quả. Đối với phê bình cá nhân do mỗi người là một hệ giá trị với nhận thức, tư tưởng, tình cảm, hiểu biết khác nhau do vậy phê bình cần phải đúng lúc, đúng khuyết điểm để kịp thời sửa chữa và làm cho đối tượng tiếp nhận phê bình thực hiện sửa chữa có hiệu quả.

            Để thực hiện tốt công tác phê bình, theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải nghiêm túc, tránh e dè, nể nang. Muốn vậy phải thực hiện dân chủ trong công tác phê bình và tự phê bình. Phê bình tránh thực hiện hình thức, sợ mất thành tích, giấu khuyết điểm như vậy hiệu quả phê bình không cao mà còn có hại. Muốn thực hiện hiệu quả phê bình và tự phê bình, theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải thật thà, thành khẩn. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người. Điều này rất quan trọng vì sẽ tránh được động cơ không trong sáng trong phê bình và tự phê bình. Vì nếu động cơ không tốt sẽ dẫn đến hạ bệ, ích kỷ, lợi dụng phê bình để gây chia rẽ mâu thuẫn nội bộ... Đặc biệt dựa vào một phần khuyết điểm mà phê phán toàn bộ con người, lấy cái bộ phận để phê bình toàn diện; dùng thiên kiến của mình để hạ thấp đồng chí. Phê bình và tự phê bình phải đảm bảo xuất phát từ tình cảm đồng chí, từ nhu cầu xây dựng đoàn kết và kỷ luật trong Đảng để đảm bảo Đảng viên xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.         

            Trong bối cánh tình hình mới, Đảng đã chỉ đạo cần phải đẩy mạnh tự phê bình và phê bình. Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngày 14-5-2011, của Bộ Chính trị khóa XI, “Về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, trong những năm qua đã từng bước tạo được sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động trong hệ thống chính trị. Nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” được coi là giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục chỉ đạo thực hiện phê bình và tự phê bình nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa các vi phạm kỷ luật của Đảng, do một số tổ chức Đảng thực hiện công tác tự phê bình và phê bình chưa thường xuyên dẫn đến những vi phạm chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời để đến khi sự việc xảy ra nghiêm trọng gây hậu quả lớn. Do vậy, việc thực hiện tự phê bình và phê bình được thực hiện thường xuyên sẽ ngăn chặn từ sớm, từ xa làm cho tổ chức đảng và đảng viên ngày càng trong sạch vững mạnh.

            Bên cạnh những kết quả đạt được của việc phê bình và tự phê bình trong công tác xây dựng Đảng, còn có những hạn chế như thời gian thực hiện chưa nhiều, chưa trở thành việc làm thường xuyên hằng ngày dẫn đến những kết quả hạn chế trong công tác cán bộ và trong xây dựng tổ chức đảng.           

            Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, trong đó có vấn đề tự phê bình và phê bình trở thành yêu cầu cấp thiết của công tác xây dựng Đảng hiện nay. Vì vậy trước hết phải nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa của tự phê bình và phê bình để tự giác, thường xuyên, nghiêm chỉnh thực hiện. Xây dựng và thực hiện tốt các quy định về phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên.

            Một bộ phận cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng hiện nay chưa nhận thức đúng, đầy đủ về vai trò, mục đích, ý nghĩa, tác dụng của tự phê bình và phê bình nên chưa chú trọng, nghiêm chỉnh, tự giác thực hiện. Nguyên nhân là do sự suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống dẫn đến không ít đảng viên, tổ chức đảng không tự giác thực hiện mà giấu giếm, bao che, đổ lỗi khuyết điểm và nguyên nhân cho hoàn cảnh khách quan. Tình trạng lợi dụng tự phê bình và phê bình để đả kích, nói xấu, phê phán lẫn nhau, vì mục đích không trong sáng, làm cho người bị phê bình không nhận ra được sai lầm, khuyết điểm để sửa chữa. Bên cạnh đó, một số cấp ủy chưa chú trọng đến việc bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên về công tác Đảng trong đó có phương pháp thực hiện tự phê bình và phê bình.

            Để thực sự nêu gương trong tự phê bình và phê bình, đòi hỏi mỗi tổ chức đảng, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần tự phê bình nghiêm túc, khách quan, xây dựng. Các giải pháp đề ra là tập trung kiểm điểm về trách nhiệm đối với công việc và nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình; về phẩm chất cá nhân trên tất cả các mặt, từ nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, đến quan hệ với quần chúng...Đồng thời làm rõ trách nhiệm cá nhân, sự gương mẫu trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương bằng hành động thực tế. Xây dựng quy định nêu gương trong tự phê bình và phê bình; khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Trong tự phê bình và phê bình phải thực sự cầu thị, tự giác, trung thực, chân thành, công tâm, không hữu khuynh, né tránh, chạy theo chủ nghĩa thành tích; khi có khuyết điểm phải nhận khuyết điểm và có kế hoạch sửa chữa. Trên cơ sở, nền tảng là tình đồng chí, thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt; kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sai trái, lợi dụng phê bình với động cơ xấu.

            Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với việc thực hiện tự phê bình và phê bình. Kiểm tra, giám sát là một nguyên tắc, khâu quan trọng trong quy trình lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng phải được tiến hành thường xuyên, bảo đảm các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, trong đó có nguyên tắc tự phê bình và phê bình được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo của Đảng. Các tổ chức đảng phải định kỳ lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về phẩm chất đạo đức, lối sống của từng cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị mình; qua đó làm cơ sở quan trọng trong đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên cũng như trong thực hiện tự phê bình và phê bình.

Viện Nghiên cứu Kinh thành tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành được thành lập từ ngày 28/4/2011, với chức năng và nhiệm vụ mới, Chi bộ được thành lập ngày 24/11/2011 03 đảng viên trong đó có 01 Bí thư Chi bộ. Đến nay, chi bộ Viện Nghiên cứu Kinh thành đã có 12 đảng viên, đã có Ban chi ủy, trong đó đồng chí Bí thư chi bộ đồng thời là Viện trưởng. Trong quá trình xây dựng và phát triển, các đảng viên của Chi bộ Viện Nghiên cứu Kinh thành đều thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, chưa có đảng viên vi phạm dẫn đến phải xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình mới, công tác xây dựng chi bộ, cơ quan trước đòi hỏi của thực tiễn cần phải tăng cường công tác tự phê bình và phê bình nhằm ngăn chặn sự suy thoái chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, thực hiện nêu gương trong công tác và trong cuộc sống nhằm đảm bảo tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên để không ngừng xây dựng chi bộ, xây dựng cơ quan, đoàn thể vững mạnh về chính trị tư tưởng, tổ chức và chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng đòi hỏi của xu thế hợp tác quốc tế đang diễn ra.

Qua sự phân tích ở trên cho thấy, công tác tự phê bình và phê bình có vai trò, ý nghĩa rất lớn đối với công tác xây dựng Đảng. Do vậy cần phải thực hiện thường xuyên, đặc biệt là phải có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vai trò, mục đích, ý nghĩa và phương pháp tự phê bình và phê bình. Trong những năm qua, công tác tự phê bình và phê bình đã được thực hiện. Tuy nhiên trước bối cảnh tình hình mới, công tác tự phê bình và phê bình cần phải thực hiện có hiệu quả nhằm ngăn chặn từ xa sự suy thoái chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình sẽ góp phần thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng nhằm làm cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, góp phần trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình hiện nay.

           

Ngô Văn Cường - IICS

[1] Nhà xuất bản Chính trị quốc gia (2006), Lê Nin toàn tập, Hà Nội, t.10, tr.141.

[2] Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật (2011)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Hà Nội, t.5,tr. 301.

[3] Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật (2011)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Hà Nội, t.5,tr. 323.

[4] Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật (2011)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Hà Nội, t. 5, tr. 301.

Bình luận:()

Các tin khác

TRƯNG BÀY “GIẢI MÃ BÍ ẨN KIẾN TRÚC ĐIỆN KÍNH THIÊN”

TRƯNG BÀY “GIẢI MÃ BÍ ẨN KIẾN TRÚC ĐIỆN KÍNH THIÊN”

25/11/2023
Ngày 28/11/20203, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao – Bảo tàng Hà ...

THƯ MỜI VIẾT THAM LUẬN THAM GIA TỌA ĐÀM KHOA HỌC QUỐC TẾ “ĐỒ SỨ TRUNG QUỐC THỜI THANH TRONG HOÀNG CUNG THĂNG LONG, THẾ KỶ 17-19

23/09/2023
Kính gửi các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã phát hiện được số lượng rất lớn đồ sứ Trung Quốc ...

CALL FOR PAPER International scientific seminar CHINESE QING-PERIOD CERAMICS IN THANG LONG IMPERIAL CITADEL (17th -19th CENTURIES)

23/09/2023
CALL FOR PAPER International scientific seminar CHINESE QING-PERIOD CERAMICS IN THANG LONG IMPERIAL CITADEL (17th -19th CENTURIES) Dear Colleagues, A huge number of Chinese ceramics from the Tang, Song, Yuan, Ming ...

Công khai Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2023 của Viện Nghiên cứu Kinh Thành (đợt 2)

21/04/2023
Công khai Dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2023 của Viện Nghiên cứu Kinh Thành (đợt 2)