Thái Bình là vùng đất có vị thế địa - kinh tế - chính trị - văn hóa đặc biệt quan trọng, gắn liền với lịch sử hiển hách của nhà Trần và lịch sử dân tộc. Trong đó,vùng đất Long Hưng – Hưng Hà ngày nay là nơi dựng nghiệp của nhà Trần và là hậu phương vững chắc của nhà Trần trong sự nghiệp đế vương qua 175 năm (1225-1400) tại Kinh đô Thăng Long.
Sau khi lên ngôi trị vì đất nước, triều Trần đã rất chú trọng đến vùng đất Long Hưng. Ngoài việc phân phong cho các thân vương các điền trang thái ấp, đây còn là nơi xây dựng lăng mộ tổ của họ Trần và các khu lăng tẩm của các vua đầu triều và hoàng tộc nhà Trần. Tại vùng đất Tam Đường, triều Trần đã dựng đặt hành cung Long Hưng để các vua Trần ngự trong những lần về làm lễ bái yết tổ tiên hay tổ chức các đại lễ và những yến tiệc mừng chiến thắng sau mỗi sự kiện oai hùng.
Phát hiện khu di tích Hành cung Lỗ Giang tại khu vực đền Thái (Thái lăng) hay còn gọi là đền Trần nằm ở ngã ba sông Hồng và sông Trà Lý, nay là xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bìnhcủa Viện Nghiên cứu Kinh thành vào năm 2014 đã tiếp tục làm sáng rõ hơn về lịch sử và di sản văn hóa của nhà Trần ở vùng đất Hưng Hà.
Từ đây, mọi người bắt đầu biết đến nhiều hơn về Hành cung Lỗ Giang, một hành cung lớn và quan trọng của triều đại nhà Trần tại vùng đất Long Hưng xưa. Và cũng từ đây mọi người nhận thấy rõ hơn, Hưng Hà không chỉ là nơi dấy nghiệp đế vương, nơi đặt lăng mộ của các vua đầu triều Trần mà còn là nơi dựng đặt 2 Hành cung quan trọng để triều đình sử dụng vào các công việc lớn của đất nước.
Việc phát hiện Hành cung Lỗ Giang là rất quan trọng và có ý nghĩa lớn trong việc nghiên cứu về lịch sử nhà Trần tại vùng đất Hưng Hà – Thái Bình. Kết quả nghiên cứu khảo cổ học khẳng định rằng, đền Thái là vị trí của hành cung Lỗ Giang xưa dưới thời vua Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông và là hành cung Kiến Xương vào thời vua Trần Hiến Tông như sử cũ đã đôi lần nhắc đến.
Từ năm 2014 đến 2017, tại Hành cung Lỗ Giang, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã tiến hành 03 cuộc khai quật khảo cổ học và đã phát hiện được nhiều loại hình di tích, di vật thời Trần, từng bước chứng minh về lịch sử xây dựng Hành cung Lỗ Giang của nhà Trần.
Năm 2014-2015, tại đền Thái,các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một công trình kiến trúc gỗ rất độc đáo có mặt bằng hình chữ Công. Kỹ thuật xây dựng và các loại ngói lợp máiphản ánh tin cậy rằng, kiến trúc ở đây được xây dựng rất qui chuẩn theo truyền thống kỹ thuật cung điện của thời Lý. Đặc biệt, dấu ấn vương quyền của công trình được nhận biết rõ qua các vật liệu trang trí hình rồng vàchữ Vương (Vua) khắc trên trán sư tử của loại ngói úp trên mái kiến trúc.Tư liệu này góp phần khẳng định tính chất và tầm quan trọng đặc biệt của công trình kiến trúc liên quan đến nơi ở và làm việc của nhà vua.
Tại Lăng Sa Trong, cuộc khai quật lần thứ 3 năm 2016-2017, các nhà khảo cổtiếp tục tìm thấy một nửa phía Tây của một khuôn viên kiến trúc có qui mô lớn, khá hoàn chỉnh. Đó là hệ thống 3 công trình kiến trúc gỗ nằm ở bên trong hệ thống tường bao, gồm kiến trúc cổng, kiến trúc hình chữ Công và kiến trúc nhà dài có bộ vì 4 hàng cột.
Tại khu vực Lăng Sa Ngoài, một phần của “Gò Sỏi” lớn trong diện tích khoảng 150m2 nằm sâu dưới lớp phù sa bồi đắp cũng đã được phát hiện. Chức năng của gò sỏi này hiện vẫn chưa có câu trả lời bởi do phạm vi khai quật còn nhỏ hẹp. Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng, đây có thể là gò mộ cổ của thời Trần và nó có thể liên quan đến tên các địa danh ở đây như Lăng Sa Trong, Lăng Sa Ngoài hay Lăng Ngói. Những tên gọi địa danh này có thể gợi nhắc đến khu lăng mộ nào đó của các vua nhà Trần hay không (?). Đây là câu hỏi lớn, cất dấu nhiều điều bí ẩn rất thú vị về vai trò của Hành cung Lỗ Giang trong lịch sử.
Có thể nói, các phát hiện của khảo cổ học nêu trên là rất quan trọng và có ý nghĩa rất to lớn trong việc nghiên cứu về vai trò và tính chất của Hành cung Lỗ Giang, đồng thời khẳng định rõ Hành cung Lỗ Giang - Kiến Xương xưa có qui mô rất rộng lớn, được qui hoạch rất qui chuẩn như kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long.
Để đánh giá giá trị kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học khu di tích Hành cung Lỗ Giang trong các giai đoạn nói trên và để tiếp tục có kế hoạch khai quật, nghiên cứu khảo cổ học giai đoạn tiếp theo, đồng thời xác định phương án quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài của khu di tích Hành cung Lỗ Giang trong tương lai, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Hành cung Lỗ Giang, Hưng Hà, Thái Bình trong lịch sử nhà Trần” ngày hôm nay tại huyện Hưng Hà, ngay chính vùng đất gắn liền với lịch sử vẻ vang của nhà Trần.
Nội dung Hội thảo tập trung vào 5 vấn đề chính sau đây:
(1) - Nhận diện vị trí, vai trò của Hành cung Lỗ Giang trong lịch sử nhà Trần ở vùng đất Hưng Hà, Thái Bình cũng như lịch sử dân tộc.
(2) - Đánh giá giá trị của những kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại khu di tích Hành cung Lỗ Giang năm 2014-2017.
(3) - Nghiên cứu so sánh làm sáng rõ hơn tính chất, vai trò, giá trị và tầm quan trọng của Hành cung Lỗ Giang trong lịch sử.
(4) - Nghiên cứu, đánh giá về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị của các hành cung thời Trần trong lịch sử, đặc biệt là trường hợp Hành cung Lỗ Giang, Hưng Hà, Thái Bình.
(5) - Đề xuất phương án tiếp tục khai quật, nghiên cứu khảo cổ học khu di tích Hành cung Lỗ Giang trong giai đoạn tiếp theo; đồng thời tư vấn về vấn đề quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Hành cung Lỗ Giang trong sự kết nối với di sản văn hóa nhà Trần ở Hưng Hà, Thái Bình.