Ngày 20/12/2021, tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế về ĐỒ GỐM NGỰ DỤNG HOÀNG CUNG THĂNG LONG
Trước thời điểm diễn ra cuộc khai quật khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu (Hà Nội), năm 2002-2004, không ai nói đến các loại đồ gốm ngự dụng trong Hoàng cung Thăng Long. Những đồ sứ cao cấp là đồ dùng của nhà vua, gọi là đồ ngự dụng được sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long như thế nào vốn từng là một thứ vô hình, không ai biết. Sử cũ Việt Nam không có trang dòng mô tả nào về việc lập các lò quan chuyên chế đồ gốm phục vụ cho triều đình và nhà vua giống như Trung Quốc. Do đó, các thế hệ hôm nay không ai biết về lò quan và đồ ngự dụng. Thuật ngữ đồ gốm ngự dụng đối với các học giả Việt Nam dường như còn là một điều gì đó rất mới mẻ và khá xa lạ.
Vì thế, những đồ sứ cao cấp đích thực của Việt Nam trong Hoàng cung Thăng Long từ lâu chưa được nêu tỏ đúng mức với dư luận trong nước và thế giới. Các nhà nghiên cứu, các nhà sưu tập ở Việt Nam và trên thế giới dường như chưa có ý niệm về đồ gốm sứ Thăng Long hay những đồ sứ đích thực của Việt Nam được dùng trong Hoàng cung Thăng Long qua các triều đại. Người ta nói nhiều đến đồ gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương) hay biết đến những đồ sứ ký kiểu/đặt làm tại các lò Cảnh Đức Trấn (Trung Quốc) được dùng trong Hoàng cung Huế.
Những khám phá của khảo cổ học dưới lòng đất tại khu di tích 18 Hoàng Diệu đã tìm thấy một quần thể dấu tích kiến trúc cung điện, lầu gác cùng vô số đồ dùng, vật dụng của Hoàng cung Thăng Long, trong đó có rất nhiều đồ gốm gồm đồ gốm Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Phát hiện quan trọng này đã minh chứng sinh động lịch sử tồn tại lâu đời của Kinh đô Thăng Long qua các triều đại Lý, Trần, Lê. Từ đây, Kinh đô Thăng Long được biết đến nhiều hơn và với những giá trị đặc biệt nổi bật toàn cầu, khu di tích này đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới vào mùa Thu năm 2010. Và cũng từ những phát hiện quan trọng của khảo cổ học tại khu di sản này, lần đầu tiên giới chuyên môn mới tìm thấy những đồ gốm ngự dụng đích thực dành riêng cho các bậc đế vương dùng trong Hoàng cung Thăng Long.
Trong những năm qua, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã xây dựng một chương trình nghiên cứu dài hạn về lịch sử đồ gốm Việt Nam nói chung, và đồ gốm ngự dụng trong Hoàng cung Thăng Long nói riêng. Trong khuôn khổ Dự án Chỉnh lý, đánh giá giá trị khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, các chuyên gia và cán bộ nghiên cứu của Viện đã tiến hành chỉnh lý và nghiên cứu hàng triệu di vật gốm sứ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử được khai quật tại khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Viện đã tiến hành công tác nghiên cứu so sánh để có thể đưa đến những nhận thức khách quan và chân xác hơn thông qua việc tiến hành khai quật khảo cổ học các lò gốm quan trọng như Chu Đậu (Hải Dương), Trường Cửu, Gò Cây Me (Bình Định) và tiến hành khảo sát thực địa tại các di chỉ lò gốm Bát Tràng, Kim Lan, Cồn Chè, Cồn Thịnh, Hạ Lan, Vạn Yên… cũng như nghiên cứu sưu tập gốm sứ trưng bày tại các bảo tàng Trung ương và địa phương. Viện cũng đã mở rộng chương trình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu đồ gốm sứ Việt Nam như ký kết hợp tác với Hội gốm sứ Cảnh Đức Trấn, Đại học Trung Văn Hongkong, Đại học Phúc Đán (Trung Quốc) và nhiều trung tâm, viện nghiên cứu khác. Năm 2020, Viện đã tổ chức Tọa đàm khoa học quốc tế Gốm Tống trong Hoàng cung Thăng Long với sự tham gia của nhiều chuyên gia gốm sứ nổi tiếng thế giới, cùng trao đổi và thảo luận về giá trị của sưu tập đồ gốm Trung Quốc thời Tống trong Hoàng cung Thăng Long. Những kết quả nghiên cứu trong nhiều năm qua đã khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật to lớn của bộ sưu tập đồ gốm sứ khai quật được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Trên cơ sở đó, năm 2018, Viện đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích Thăng Long Hà Nội tổ chức Trưng bày chuyên đề Đồ gốm trong Hoàng cung Thăng Long để quảng bá giá trị của bộ sưu tập gốm sứ Ngự dụng Hoàng cung Thăng Long tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Năm 2021, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã công bố kết quả phục dựng 3D hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lý và hình thái kiến trúc Điện Kính Thiên thời Lê sơ, đưa lại nhận thức mới và toàn diện về hình thái kiến trúc tổng thể của Hoàng cung Thăng Long trong lịch sử. Để tiếp tục chương trình nghiên cứu tổng thể về Hoàng cung Thăng Long, đặc biệt là đời sống trong Hoàng cung Thăng Long, Viện Nghiên cứu Kinh thành tổ chức Tọa đàm Khoa học quốc tế Đồ gốm ngự dụng trong Hoàng cung Thăng Long. Tọa đàm này được xem như là một hoạt động khoa học thiết thực trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu Kinh thành (2011-2021).
Tọa đàm khoa học quốc tế này nhằm bước đầu công bố một số kết quả nghiên cứu mới về Đồ gốm ngự dụng trong Hoàng cung Thăng Long trong bối cảnh Đồ gốm sứ ngự dụng ở châu Á. Mặc dù thời gian chuẩn bị Tọa đàm hết sức eo hẹp và lại tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng đã nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Ban tổ chức Tọa đàm đã nhận được 12 tham luận, trong đó có 06 tham luận từ các nhà khoa học đến từ Đại học Bắc Kinh, Bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh, Hội gốm sứ Cảnh Đức Trấn, Đại học Phúc Đán, Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) và đại học Okinawa (Nhật Bản) và 06 tham luận của các nhà khoa học Việt Nam đến từ Hội Khảo cổ học Việt Nam, Viện Khảo cổ, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và Viện Nghiên cứu Kinh thành. Chủ đề của Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo giới chuyên môn và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Khoảng 70 chuyên gia gốm sứ quốc tế đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Singapore, Đài Loan, Malaysia, Australia và Việt Nam đã tham dự Tọa đàm qua nền tảng Zoom trực tuyến.
Dựa trên các chuẩn mực biểu trưng quyền lực của hình tượng rồng thời Lê sơ, PGS.TS Bùi Minh Trí đã đề xuất khái niệm về đồ gốm cao cấp của Việt Nam chuyên chế cho nhà vua sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long gọi là đồ ngự dụng/đồ gốm ngự dụng. Đây là những đồ dùng vật dụng trong cung có phẩm cấp cao nhất, phản ánh quyền lực/quyền uy và đời sống cao sang của nhà vua. Những đồ gốm ngự dụng dùng trong Hoàng cung chủ yếu được sản xuất tại Lò quan Thăng Long. Đây là những lò gốm do triều đình sáng lập để chuyên chế đồ gốm phục vụ cho Hoàng cung Thăng Long trong suốt thời gian ngự trị của các vương triều, từ thời Lý, Trần đến thời Lê sơ, với lịch sử dài hơn 500 năm. Theo PGS.TS Bùi Minh Trí, phát hiện những đồ sứ ngự dụng tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long là nguồn tư liệu vô cùng quý giá, không những cung cấp bằng chứng quan trọng trong việc nghiên cứu đồ gốm lò quan Thăng Long và đồ gốm dùng trong Hoàng cung Thăng Long, mà còn cho chúng ta có những cảm nhận chân xác và sâu sắc hơn về các loại hình đồ sứ ngự dụng dành riêng cho các vua chúa Đại Việt sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long xưa. Nghiên cứu chuyên sâu về các loại hình đồ gốm này sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về chất lượng sản phẩm, về phẩm cấp/đẳng cấp, đặc biệt là tính văn hóa, xã hội của nó trong bối cảnh lịch sử của các vương triều.