Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là nơi phát hiện được số lượng rất lớn đồ gốm sứ Trung Quốc có niên đại từ thời Đường, Tống, Nguyên, Minh và Thanh. Trong đó, đồ gốm thời Nguyên (1271-1368) và thời Minh (1368 - 1644) có số lượng rất đáng kể, tương đối phong phú về loại hình và dòng gốm, đặc biệt là có nhiều sản phẩm vô cùng đặc sắc và quý hiếm được sản xuất bởi các ngự xưởng nổi tiếng ở Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây. Đây là những đồ gốm sứ được sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long thời Trần và thời Lê. Phát hiện quan trọng này khơi gợi nhiều về mối quan hệ giao lưu văn hóa, kinh tế giữa triều đại nhà Nguyên và nhà Minh với Kinh đô Thăng Long – Đại Việt trong lịch sử.
Để tiếp tục công bố về những kết quả nghiên cứu mới và trao đổi mang tính học thuật về đồ gốm sứ Trung Quốc khai quật được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã tổ chức Tọa đàm Khoa học quốc tế “Đồ gốm sứ Trung Quốc thời Nguyên – Minh tại Hoàng thành Thăng Long” vào ngày 26 tháng 11 năm 2022 tại Hội trường 3D, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.
Đến dự Tọa đàm khoa học quốc tế này, có 65 đại biểu, nhà khoa học đến từ các cơ quan nghiên cứu của Việt Nam và 28 đại biểu quốc tế tham dự trực tuyến.
Về phía quốc tế, tham dự và trình bày trực tuyến tại Tọa đàm Khoa học quốc tế này có 06 nhà khoa học Trung Quốc gồm GS. Qin Dashu và TS. Gao Xianping (Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc), GS. Li Qingxin (Học Viện KHXH Quảng Đông), TS. Weng Yanjun ((Viện Gốm sứ Cảnh Đức Trấn), TS. Xiang Kunpeng và TS. Wu Wenda (Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh), NCS. He Shouqiang (Bảo tàng Phòng Thành Cảng và Đại học Nam Kinh). Ngoài ra, còn có hơn 20 nhà khoa học đến từ Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Australia và Singapore tham dự trực tuyến.
Về phía Việt Nam, các đại biểu tham dự gồm có: GS.TS Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia Việt Nam, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam; TS. Hà Văn Cẩn (Phó Viện trưởng phụ trách, Viện Khảo cổ học); TS.Nguyễn Gia Đối (Nguyên Quyền Viện trưởng, Viện Khảo cổ học); PGS.TS Bùi Văn Liêm (Tổng biên tập Tạp chí Khảo cổ học); TS.Nguyễn Văn Đáp (Phó Giám đốc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh), Ths.Nguyễn Hữu Mạo (Trưởng ban, Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh), Ths Vũ Đình Sỹ (Trưởng ban, Ban quản lý Khu di tích Lam Kinh, Thanh Hóa), Ths.Nguyễn Khắc Xuân Thi (Phó Giám đốc, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP HCM), ông Đoàn Văn Thuận (Giám đốc, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận), ông Nguyễn Quốc Bình (Trưởng phòng, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam), ông Nguyễn Ngọc Ẩn (Chủ nhiệm, CLB UNESCO nghiên cứu-sưu tâm cổ vật tỉnh Bình Thuận). Ngoài ra, Tọa đàm còn có sự tham dự của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đến từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Viện Sử học, Viện Nghiên cứu Kinh thành, Trường Đại học Khoa học và Nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội, Hội Khảo cổ học Việt Nam, Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Thanh Hóa, Ban Quản lý di tích Lam Kinh (Thanh Hóa), Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa, Bảo tàng tỉnh Quảng Nam, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa,Bảo tàng tỉnh Bình Thuận.
Ban tổ chức Tọa đàm đã nhận được 12 bài viết của các nhà khoa học Việt Nam và Trung Quốc, cho thấy sự quan tâm của các học giả gốm sứ giữa hai nước. Tại buổi Tọa đàm, 10 tham luận đã được báo cáo, bao gồm:
-Về phía các nhà khoa học Việt Nam: TS.Nguyễn Đình Chiến (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) trình bày tham luận: Đồ sứ hoa lam thời Nguyên trong tàu cổ bình châu (Quảng Ngãi); TS. Lương Chánh Tòng (Đại học Công nghệ Sài Gòn) trình bày tham luận: Sưu tập gốm sứ Trung Quốc thời Nguyên (1271-1368) tại Bảo tàng Lịch sử TP HCM ; TS.Trần Anh Dũng (Hội Khảo cổ học) trình bày tham luận: Đồ sứ Trung Quốc thời Minh ở tỉnh Tuyên Quang; PGS.TS.Bùi Minh Trí (Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh thành) trình bày tham luận Đồ gốm sứ Trung Quốc thời Nguyên - Minh trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ (thế kỷ XV-XVI).
-Về phía các nhà khoa học quốc tế: GS. Qin Dashu và TS. Gao Xianping (Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc) trình bày tham luận: Nghiên cứu về nền sản xuất đồ gốm sứ thủ công tư nhân thời Minh – dựa trên kết quả khai quật ở các lò gốm Cảnh Đức Trấn, TS. Weng Yanjun (Viện Gốm sứ Cảnh Đức Trấn, Trung Quốc) trình bày tham luận: Đồ sứ hoa lam thời Nguyên và Minh được tìm thấy tại các lò gốm Cảnh Đức Trấn, GS. Li Qingxin (Học Viện KHXH Quảng Đông, Trung Quốc) trình bày tham luận: Trao đổi về những Khám phá Khảo cổ học về "Vò gốm Quảng Đông" và các vấn đề liên quan đến tàu đắm ở các vùng biển Đông Á từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 14, TS. Wu Wenda (Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh, Trung Quốc) trình bày tham luận: Đồ gốm men ngọc Long Tuyền tìm thấy ở Ryukyu, TS. Xiang Kunpeng (Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh, Trung Quốc) trình bày tham luận: Nghiên cứu về đồ gốm men ngọc Long Tuyền tìm thấy ở Đông Nam Á, NCS. He Shouqiang (Bảo tàng Phòng Thành Cảng và Đại học Nam Kinh, Trung Quốc) trình bày tham luận: Trao đổi gốm sứ Việt-Trung nhìn từ các hiện vật khai quật tại kênh đào Đàm Bồng.
Các tham luận tại Tọa đàm đã tập trung vào 3 vấn đề chính, gồm: Đồ sứ Trung Quốc thời Nguyên - Minh phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long và Việt Nam; Đồ sứ Trung Quốc thời Nguyên - Minh và các lò sản xuất tại các tỉnh ở Trung Quốc; và Giao lưu kinh tế - văn hóa giữa Trung Quốc với Đại Việt thời Nguyên - Minh nhìn từ trao đổi đồ gốm sứ.
Tọa đàm khoa học này là dịp để các chuyên gia gốm sứ trao đổi về đặc trưng, niên đại và nguồn gốc lò sản xuất của các sưu tập đồ gốm sứ Trung Quốc thời Nguyên – Minh tìm thấy tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, đồng thời tăng cường hiểu biết sâu rộng về đồ gốm sứ Trung Quốc, từ đó có thể bàn luận sâu rộng hơn về mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Việt Nam và Trung Quốc trong giai đoạn lịch sử thời Nguyên – Minh.
Kết luận Tọa đàm khoa học quốc tế này, PGS.TS Bùi Minh Trí (Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh thành) cho biết: Kết quả Tọa đàm này sẽ giúp cho giới khoa học trong nước và quốc tế nhận biết về các loại hình đồ sứ Trung Quốc được sử dụng trong đời sống Hoàng cung Thăng Long, cùng những cảm nhận đa chiều về thị hiếu trong chốn cung đình thời bấy giờ. Nguồn tư liệu quan trọng này cũng gợi mở nhiều vấn đề rất thú vị và hấp dẫn trong nghiên cứu về mối quan hệ, sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Trung Quốc và Đại Việt trong lịch sử.