Khu di tích Hoàng thành Thăng Long là nơi phát hiện được số lượng rất lớn đồ sứ Trung Quốc có niên đại từ thời Đường, Tống, Nguyên, Minh và Thanh. Trong đó, đồ gốm thời Nguyên (1271-1368) và thời Minh (1368 - 1644) có số lượng rất đáng kể, tương đối phong phú về loại hình và dòng gốm, đặc biệt là có nhiều sản phẩm vô cùng đặc sắc và quý hiếm được sản xuất bởi các ngự xưởng nổi tiếng ở Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây. Đây là những đồ sứ được sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long thời Trần và thời Lê. Phát hiện quan trọng này khơi gợi nhiều về mối quan hệ giao lưu văn hóa, kinh tế giữa triều đại nhà Nguyên và nhà Minh với Kinh đô Thăng Long – Đại Việt trong lịch sử.
Để tiếp tục công bố về những kết quả nghiên cứu mới và trao đổi mang tính học thuật về đồ sứ Trung Quốc khai quật được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, năm nay, Viện Nghiên cứu Kinh thành tổ chức Tọa đàm Khoa học quốc tế “Đồ sứ Trung Quốc thời Nguyên – Minh tại Hoàng thành Thăng Long”. Tọa đàm này đã nhận được 12 bài viết của các nhà khoa học Việt Nam và Trung Quốc, cho thấy sự quan tâm của các học giả gốm sứ giữa hai nước.
Nội dung Tọa đàm tập trung vào 3 vấn đề chính sau:
- Đồ sứ Trung Quốc thời Nguyên - Minh phát hiện tại Hoàng thành Thăng Long và Việt Nam;
- Đồ sứ Trung Quốc thời Nguyên - Minh và các lò sản xuất tại các tỉnh ở Trung Quốc;
- Giao lưu kinh tế - văn hóa giữa Trung Quốc với Đại Việt thời Nguyên - Minh nhìn từ trao đổi đồ gốm sứ.
Tọa đàm khoa học này là dịp để các chuyên gia gốm sứ trao đổi về đặc trưng, niên đại và nguồn gốc lò sản xuất của các sưu tập đồ gốm sứ Trung Quốc thời Nguyên – Minh tìm thấy tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, đồng thời tăng cường hiểu biết sâu rộng về đồ gốm sứ Trung Quốc, từ đó có thể bàn luận sâu rộng hơn về mối quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Việt Nam và Trung Quốc trong giai đoạn lịch sử thời Nguyên – Minh.
Thời gian: Sáng ngày 26 tháng 11 năm 2022
Địa điểm: Phòng họp 3D, Viện Hàn lâm KHXHVN
Liên hệ: Đỗ Trường Giang, 0902160048, alexgiangvn@gmail.com