Việc phát hiện những đồ gốm sứ ngự dụng (đồ sứ dành riêng cho vua) tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long là nguồn tư liệu vô cùng quý giá, không những cung cấp bằng chứng quan trọng trong việc nghiên cứu đồ gốm lò quan Thăng Long và đồ gốm dùng trong Hoàng cung Thăng Long, mà còn cho hậu thế những cảm nhận chân thực và sâu sắc hơn về các loại hình đồ sứ ngự dụng dành riêng cho các vua, chúa Đại Việt sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long xưa.
"Nghiên cứu chuyên sâu về các loại hình đồ gốm này sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về chất lượng sản phẩm, về phẩm cấp, đẳng cấp, đặc biệt là tính văn hóa, xã hội của nó trong bối cảnh lịch sử của các vương triều”- Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành Bùi Minh Trí nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, tiêu chí để nhận diện các đồ gốm sứ ngự dụng là đều có hình rồng, in chữ Quan cùng phẩm cấp và chất lượng vượt trội. Đây là những đồ dùng, vật dụng không thể thiếu, có vai trò rất quan trọng trong đời sống Hoàng cung, từ cuộc sống sinh hoạt thường nhật đến các yến tiệc của nhà vua và triều đình trong các dịp đại lễ, sinh nhật vua, lễ đăng quang của nhà vua hay lễ tấn phong.
Ngoài ra, nhiều đồ gốm quý còn được dùng làm đồ tự khí trong các tôn miếu hay được dùng làm đồ vật trang hoàng nội thất của các cung điện, lầu gác nhằm điểm tô vẻ đẹp quyền quý, cao sang của chốn cung đình.
![]() |
Toạ đàm khoa học quốc tế "Đồ gốm ngự dụng trong Hoàng cung Thăng Long" |
Đặc biệt khác với các đồ ngự dụng ở hoàng cung nhiều quốc gia châu Á cùng thời là vẽ màu trực tiếp lên đồ (như ở Trung Hoa), sự kết hợp tài ba của người thợ thủ công Việt trong việc phối giữa các loại men và phủ vàng thật lên trên các họa tiết đã tạo nên những sắc thái độc đáo, mới lạ và sang quý cho những đồ gốm sứ ngự dụng trong Hoàng cung Thăng Long.
Tại toạ đàm các chuyên gia đã lần đầu tiên đề cập một cách có hệ thống cũng như cung cấp những thành tựu nghiên cứu mới liên quan đến các loại hình đồ gốm sứ dùng trong Hoàng cung, trong đó có đồ ngự dụng dựa trên tư liệu khảo cổ học và sử học, cũng như nghiên cứu so sánh đồ gốm sứ ngự dụng được sản xuất và sử dụng trong Hoàng cung của Trung Quốc và Nhật Bản.
Một trong những hiện vật hấp dẫn nhất được giới thiệu tại toạ đàm là chiếc bát thấu quang, men trắng hiếm hoi còn nguyên vẹn nhất trong tất cả các loại đồ gốm ngự dụng thời Lê sơ đào được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Hiện vật này minh chứng một cách rõ nét tài hoa của người thợ thủ công vô danh Việt trong quá khứ và do đặc thù của nghề gốm sứ, mỗi tác phẩm là duy nhất và chiếc bát này cũng thuộc trường hợp đó.
![]() |
Chiêc bát thấu quang còn nguyên vẹn với men trắng và hoa văn thời Lê sơ, in hình chữ "Quan" ở đáy bát được tìm thấy tại khu Hoàng thành Thăng Long |
Đây cũng là chiếc bát đặc sắc duy nhất có được ở khu di sản Hoàng thành Thăng Long mà không có nơi nào có được, kể cả di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) hay các bảo tàng lớn nổi tiếng hoặc các sưu tập tư nhân giàu có nhất ở trong nước và trên thế giới.
Hiện các cơ quan chức năng đang xúc tiến công việc để tiến tới công nhận chiếc bát này là bảo vật quốc gia.
Dựa vào kết quả nghiên cứu trong nhiều năm về đồ gốm Thăng Long, các chuyên gia chứng minh rằng, tất cả những sản phẩm gốm cao cấp thời Lê sơ có chữ Quan hay chữ Kính và trang trí hình rồng chân có 5 móng đều là sản phẩm của lò quan Thăng Long và đó là đồ ngự dụng.
Tuy nhiên hiện tìm thấy được dấu tích khảo cổ để minh chứng cho vị trí các lò quan Thăng Long. Đây là những lò gốm do triều đình sáng lập để chuyên chế tác đồ gốm phục vụ cho Hoàng cung trong suốt thời gian ngự trị của các vương triều, từ thời Lý, Trần đến thời Lê sơ, với lịch sử dài hơn 500 năm. Tuy nhiên các chuyên gia cũng phỏng đoán các lò gốm này có thể nằm trên bờ sông Hồng hoặc phía Tây kinh thành Thăng Long.
Theo: congthuong.vn