Đồ gốm sứ thời Lê sơ được trưng bày tại Bảo tàng tầng hầm Nhà Quốc hội.
Đồ “ngự dụng” cao cấp tinh mỹ
Trước đây, giới nghiên cứu cho rằng, Việt Nam không thể sản xuất được các loại đồ sứ cao cấp như đồ sứ Trung Quốc. Nhiều đồ sứ hiếm quý thời Lý của Việt Nam có chất lượng tương đương đã từng bị xếp cùng (một giỏ) với sứ Trung Quốc thời Tống. Những phát hiện về đồ sứ thời Lý, Trần và đặc biệt là thời Lê sơ tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long do lò quan Thăng Long sản xuất đem lại nhiều bất ngờ thú vị, chứng minh rằng Việt Nam đã sản xuất được đồ sứ từ thời Lý.
Những đồ gốm sứ cao cấp dành riêng cho nhà vua, thuộc quyền sở hữu của nhà vua gọi là đồ gốm sứ ngự dụng. Thời Lê sơ, hình rồng 5 móng là biểu trưng của vương quyền, biểu tượng cho quyền lực tối cao của nhà vua. Chỉ vua mới được dùng và ban tặng những vật mang hình rồng. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Tháng 6 ngày 8 Hồng Đức năm thứ 28 (1497), cấm sử dụng tiếm vượt những đồ phi pháp như các vật có nạm khắc vàng bạc, sơn vẽ rồng phượng…”1. Đồ gốm sứ cao cấp dành cho các vua thời Lê sơ (1428-1527) được nhận biết qua các loại bát, đĩa sứ hoa lam và sứ men trắng được chế tác rất hoàn hảo với đặc điểm phổ biến là được trang trí đồ án hình rồng, lòng viết chữ “Kính” (敬) hoặc in nổi chữ “Quan” (官). Những biểu tượng này khẳng định đẳng cấp cao sang của các sản phẩm gốm sứ “ngự dụng”-chỉ dành cho vua, để phân biệt với những đồ gốm sứ “thường dụng” dành cho những người có phẩm cấp thấp hơn. Cũng có đồ sứ vẽ hình rồng nhưng rồng trên đó chỉ có 4 móng. Đây là những đồ được làm để vua ban cho những người trong hoàng tộc hoặc tặng những người được đặc biệt ưu ái khác.
Các nhà khảo cổ đã nghiên cứu, phân loại và xác định trong số hàng loạt các loại bình, lọ tìm thấy trong Hoàng cung Thăng Long thì các sản phẩm sứ men trắng, hoa lam, các loại đồ sứ cao cấp vẽ nhiều mầu và phủ vàng thật lên họa tiết hình rồng là đồ sứ dành cho nhà vua. Kỹ thuật vẽ phủ vàng lên hình rồng cũng rất đặc biệt. Hình dáng cơ bản của con rồng và văn mây được vẽ bằng mầu xanh cobalt dưới men trước khi đem nung ở nhiệt độ cao. Sau đó, các chi tiết của con rồng được vẽ rất tỉ mỉ bằng mầu đỏ, mầu xanh lá cây trên men rồi vẽ vàng thật lên trên các họa tiết đã vẽ. Sự kết hợp giữa các loại men (lam, xanh lá cây, đỏ, vàng) và phủ vàng thật lên trên các họa tiết đã tạo nên những sắc thái độc đáo, mới lạ cho những đồ sứ ngự dụng. Ngoài đồ án trang trí hình rồng, những đồ sứ này có hình dáng, mầu men và kỹ thuật tạo tác, đặc biệt là kỹ thuật tạo chân đế rất hoàn hảo.
“Lò quan” chỉ làm đồ gốm sứ dùng trong cung
Các hiện vật tìm thấy còn bao gồm những sản phẩm từ các lò ở ngoại vi Thăng Long như Chu Đậu, Cậy, Ngói ở Hải Dương. Nhưng các nhà khoa học đã tìm được nhiều bằng chứng khẳng định sự tồn tại của các lò quan Thăng Long. Đây là những lò do triều đình lập ra để chuyên chế tác các sản phẩm gốm sứ phục vụ cho hoàng cung từ thời Lý, Trần đến thời Lê sơ, kéo dài liên tục hơn 500 năm. Đồ gốm sứ do các lò quan Thăng Long làm là đồ dùng cho nhà vua và hoàng tộc, một số khác để trang hoàng nội thất các cung điện, được gọi chung là gốm cung đình, có kỹ thuật chế tác tinh xảo, hoa văn trang trí thể hiện vương quyền như hình rồng, phượng hay thiên nga hoặc các hoa lá mang biểu trưng cao quý (hoa mẫu đơn, hoa sen, hoa cúc…).
Phát hiện quan trọng và thú vị nhất về đồ ngự dụng thời Lê sơ trong Hoàng cung Thăng Long là hiện vật đồ sứ men trắng, thấu quang. Đây là những đồ sứ đặc sắc, cao cấp và điển hình trong những đồ sứ ngự dụng. Tiêu biểu nhất là chiếc bát tìm thấy tại hố khai quật A22, khu A (ký hiệu/mã số: BĐ02.A22.L9/A22.Gm.270). Chiếc bát này men trắng, thấu quang và rất nhẹ. Trong lòng bát “in khuôn” nổi hai hình rồng chân có 5 móng sắc nhọn nối đuôi nhau theo chiều kim đồng hồ, chính giữa lòng bát in chữ “Quan” (官). Chiếc bát là bằng chứng thuyết phục về tài năng và trình độ chế tác đồ sứ rất cao của các nghệ nhân thời đó.
PGS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Nghiên cứu kinh thành cho rằng: “Đồ sứ ngự dụng thời Lê sơ trong Hoàng thành Thăng Long cho chúng ta những cảm nhận chân xác, rộng hơn và sâu sắc hơn về nhu cầu thẩm mỹ và những quy định khá nghiêm ngặt trong nghệ thuật trang trí-tính quy phạm, sự chuẩn mực, trình độ tay nghề rất cao và tính đẳng cấp vượt trội của những đồ sứ cao cấp dành riêng cho các bậc đế vương, rộng hơn nữa là có thể hiểu thêm về tư tưởng, tôn giáo, kinh tế, văn hóa-xã hội… thời Lê sơ”.
1. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, Tập 2, tr. 528.
Theo:nhandan.vn