Với 140 di tích cùng hàng chục ngàn di vật khảo cổ được tìm thấy tại đây đã góp phần phản ánh sinh động lịch sử phát triển liên tục, lâu dài của khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long qua suốt 1300 năm. Đồng thời, minh chứng rõ, khu vực xây dựng tòa nhà Quốc hội là một bộ phận quan trọng nằm ở phía Tây Nam của khu Trung tâm Cấm thành của Kinh đô Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Để tạo nên sự kết nối hài hòa giữa truyền thống và hiện đại và để tòa nhà Quốc hội thực sự hóa thân vào tiến trình lịch sử vinh quang của dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương dành một phần diện tích dưới tầng hầm của tòa nhà để làm nơi trưng bày một số loại hình di tích, di vật tiêu biểu khai quật được dưới lòng đất tòa nhà Quốc hội nhằm tạo nên hình ảnh biểu trưng độc đáo của sự tiếp nối, tôn vinh giá trị truyền thống, phản ánh sức sống trường tồn của trung tâm quyền lực trong lịch sử vẻ vang của dân tộc, đồng thời góp phần quan trọng trong việc quảng bá giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long, đáp ứng yêu cầu tham quan và hưởng thụ văn hóa của nhân dân và khách quốc tế tại tòa Nhà Quốc hội.
Các hiện vật được trưng bày dưới tầng 1 và tầng 2 của tòa nhà Quốc hội. Ảnh: KT.
Nội dung chính của việc trưng bày “Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất nhà Quốc hội” là giới thiệu một số loại hình di tích, di vật tiêu biểu, đặc sắc nhất khai quật được tại khu vực này. Theo đó, phạm vi của trưng bày nằm ở vị trí dưới 2 tầng hầm của tòa nhà Quốc hội. Khu vực này nằm theo chiều Bắc Nam, tiếp giáp với khu di tích khảo cổ học Hoàng Thành Thăng Long, nằm sâu so với mặt đất từ 7m đến 13m, có tổng diện tích mặt bằng trưng bày khoảng 3.700m2 (Tầng hầm 1: 1.700m2, Tần hầm 2: 2.000m2).
Tầng hầm 1 sẽ tái tạo trưng bày trọn vẹn mặt bằng một kiến trúc thời Lý và đây là điểm nhấn chính. Hệ thống 42 móng trụ sỏi và mặt nền được tái hiện giống như bối cảnh khai quật và được trình diễn bằng hệ thống 42 cột ánh sáng lớn hiện đại. Đây là hình ảnh gợi mở cho công chúng về hình thái kiến trúc cung điện thời Lý với hệ thống 42 cột gỗ to lớn cùng với những sắc thái rất độc đáo của bộ mái công trình thông qua các loại ngói lợp mái được trưng bày ngay trong lòng kiến trúc. Lối đi tham quan được thiết kế ở giữa lòng của kiến trúc và mở cân đối sang 2 bên. Dọc lối đi là hệ thống tủ trưng bày về vật liệu kiến trúc và đồ dùng trong đời sống.
Di tích đầu rồng thời Lý, giếng nước thời Trần sẽ được trưng bày ngay khu vực lối đi ở giữa lòng di tích kiến trúc thời Lý ở khu trung tâm. Di tích giếng nước thời Lê và 3 chân tảng thời Lý được trưng bày ở khu vực phía Bắc.
Những lý giải sâu hơn về những khám phá khảo cổ học thời kỳ Thăng Long, đặc biệt là về kiến trúc cung điện thời Lý được trình chiếu tại phòng chiếu phim có sức chứa khoảng 60 người ở đầu cuối phía Bắc khu trưng bày.
Tầng hầm 2 tái tạo trưng bày trọn vẹn mặt bằng kiến trúc Đại La ở khu trung tâm và một phần mặt bằng kiến trúc thời Đinh - Tiền Lê ở khu vực phía Bắc. Lối đi tham quan được mở giữa lòng các di tích này theo hình thước thợ, dọc hai bên tuyến tham quan đặt hệ thống tủ trưng bày di vật. Di tích mộ ngựa và xâu tiền đặt dưới mặt sàn kính nằm trong không gian trưng bày về thời Đinh - Tiền Lê; Di tích giếng nước thời Đại La được trưng bày tại khu vực chuyển tiếp, nằm ở giữa lối ra. Nét độc đáo ở khu trưng bày này là hai bức tranh tường đặc sắc có kích thước lớn được lắp ghép từ chính mảnh vỡ của các loại gạch ngói khai quật được tại khu di tích và chứa đựng những thông điệp của lịch sử xây dựng Kinh đô Thăng Long. Đó là bức tranh “Rồng bay” và “Bình minh Thăng Long” do nữ tác giả Bùi Thu Trang sáng tác. Bức tranh “Rồng bay” được khơi nguồn từ hình tượng rồng thời Lý và ghi chép của sử cũ về sự kiện năm 1010, khi vua Lý Công Uẩn hạ “Chiếu dời đô” từ Hoa Lư về đây, xây dựng Thăng Long trở thành kinh đô hoa lệ cùng quốc gia Đại Việt cường thịnh.
“Bình minh Thăng Long” là bức tranh được ghép từ hàng ngàn mảnh gạch, ngói vỡ vụn được đào lên từ lòng đất, để vừa giới thiệu về chất liệu, loại hình và màu sắc của gạch ngói qua các thời, vừa tạo thành bức tranh nghệ thuật biểu đạt ý tưởng về sự phát triển tỏa sáng của nền văn minh Đại Việt kể từ khi vua nhà Lý xây dựng Kinh đô Thăng Long ở đây.
Khu vực tương tác nằm ở đầu phía Bắc là nơi công chúng, đặc biệt là trẻ em được tự do khám phá và trải nghiệm về khảo cổ học. Mô hình công trường khai quật khảo cổ học cùng những dụng cụ khai quật và hình ảnh các nhà khảo cổ học đang cần mẫn làm việc trên công trường được tái hiện theo tỉ lệ 1/50 sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về ngành khảo cổ học ở Việt Nam. Các thiết bị tương tác hiện đại như màn hình cảm ứng lớn 48 và 90 inch và sàn tương tác lớn là không gian để khai thác thông tin và để trẻ em thoải mái vui chơi với các trò chơi liên quan đến khám phá khảo cổ học.
PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng: “Ở đây tôi cũng thấy một quyết tâm vô cùng lớn của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở chỗ đầu tư một cái nguồn kinh phí không phải là nhỏ, để cho một sự nghiệp về văn hóa. Và tôi rất sung sướng thấy rằng sự đầu tư này rất hiệu quả. Nó khác với rất nhiều đầu tư vào bảo tàng khác cũng như các công trình văn hóa khác. Sự đầu tư vào bảo tàng dưới tầng hầm Nhà Quốc Hội rất hiệu quả, nó như một cuộc cách mạng về bảo tàng cho hệ thống bảo tàng Việt Nam”.
Theo PGS Nguyễn Văn Huy thì dù là một không gian trưng bày nhưng đó thực sự là một bảo tàng về khảo cổ học. Tất cả xuất phát từ mong muốn của những nhà khoa học, làm sao có thể biểu đạt sống động nhất, dễ hiểu nhất, để công chúng có thể tiếp cận những giá trị khảo cổ học một cách giản dị nhất, để cảm nhận một cách sâu lắng về lịch sử và văn hóa của cha ông, trên chính mảnh đất này.
PGS.TS. Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng nhận xét rằng: “Ý tưởng trưng bày ở đây là phân theo địa tầng khảo cổ học, theo diễn biến thời gian từ xa xưa lại gần. Với cấu trúc đó, Tầng hầm 2: Trưng bày thời kỳ Tiền Thăng Long, thời kỳ trước khi Vua Lý Công Uẩn hạ Chiếu dời đô về đây; Tầng hầm 1: Trưng bày thời kỳ Thăng Long, tức là sau 1010, sau khi Vua Lý Công Uẩn hạ đô. Ở mỗi một tầng hầm, trong mỗi một không gian, chúng tôi lại lựa chọn những điểm nhấn nhằm đem lại những cảm xúc, những ấn tượng cho người xem và thể hiện những giá trị cốt lõi nhất của di sản đến công chúng một cách tự nhiên”.
Các hiện vật, di vật các thời đại được trưng bày một cách khoa học với những chú giải hết sức rõ ràng. Ảnh: KT.
“Chỉ một cái cóng, cái đồ đựng thức ăn cho chim ăn, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được cái cóng và suy nghĩ làm thế nào để cái cóng nói được tiếng nói, để người xem suy nghĩ được đời sống trong cung đình như thế nào. Và người ta đã sáng tạo ra góc trưng bày vừa có cái cóng, vừa có cái lồng chim, vừa nghe tiếng chim hót và thấy chim bay nhảy trong cái lồng đó. Một cách rất đơn giản thôi, người ta tìm thấy một mảnh vỡ trong cái giếng cổ. Và người ta đã phục dựng lại cái giếng cổ, và ở giữa vẫn để lại cái hiện vật là những viên gạch xây dựng cái giếng đó. Tất cả những cái đó làm cho bảo tàng này trở nên sống động”, PGS.TS. Nguyễn Văn Huy, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nói.
Ông cũng cho rằng, qua những hiện vật được trưng bày người ta sẽ cảm thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa cuộc sống và hiện vật. Điều đó làm cho bảo tàng thành công và bản thân ông khi tham quan bảo tàng này cũng vô cùng xúc động. Xúc động một cách thật sự khi chúng ta đã biết kể những câu chuyện về lịch sử và câu chuyện về khảo cổ học tưởng như rất khó kể nhưng đã kể được và kể rất hay.
Khu trưng bày những “báu vật” khảo cổ học dưới lòng tòa nhà Quốc hội đi vào hoạt động từ 19/5/2016. Dự án trưng bày được chính thức khởi động từ cuối năm 2012 và phát triển cao hơn vào năm 2013, được hoàn thiện vào năm 2014, 2015, 2016. Sau gần 4 năm miệt mài làm việc, từ nghiên cứu xây dựng nội dung khoa học trưng bày đến việc hình thành những ý tưởng trưng bày ban đầu, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện dự án đã nhiệt huyết mang những giá trị cốt lõi của các phát hiện khảo cổ học dưới lòng đất tòa nhà Quốc hội trở thành hiện thực.
Hà Tùng Long